Trong thời đại số hóa và tiến bộ công nghệ ngày nay, việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ ngày càng trở nên quan trọng hơn. Xây dựng sở thích đọc sách từ khi còn nhỏ không chỉ là một thói quen tốt mà còn là một đầu đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Để giúp các bậc phụ huynh thực hiện điều này, có một số phương pháp hiệu quả để khơi gợi đam mê và tạo thói quen đọc sách từ sớm.
Lợi ích của việc tạo thói quen đọc sách ở trẻ
Việc đọc sách mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em, cả về thể chất lẫn tinh thần. Một số lợi ích nổi bật của việc tạo thói quen đọc sách ở trẻ có thể kể đến như:
- Phát triển ngôn ngữ và tư duy: Đọc sách giúp trẻ tiếp xúc với nhiều từ ngữ mới, từ đó phát triển vốn từ vựng và khả năng tư duy. Khi trẻ đọc sách, não bộ của trẻ sẽ được kích thích, giúp trẻ ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn.
- Kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo: Những câu chữ trong sách giúp trẻ khám phá những điều mới lạ, từ đó kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ. Trẻ còn có thể sáng tạo ra những câu chuyện, nhân vật và tình huống của riêng mình.
- Giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề: Với các đầu sách có các nội dung khác nhau, trẻ sẽ được tiếp xúc với nhiều tình huống đa dạng trong cuộc sống. Từ đó, trẻ sẽ học cách phân tích, suy luận và đưa ra giải pháp hiệu quả cho các vấn đề.
- Thúc đẩy sự đồng cảm và thấu hiểu: Nếu bố mẹ lo sợ con viết văn miêu tả khô khan hoặc không biết biểu đạt lòng thấu cảm trong cuộc sống đời thường thì sách chính là nguồn học hỏi rất tốt. Các câu chuyện trong sách đều được xây dựng tỉ mỉ, chạm đến trái tim người đọc.
Ngoài ra, đọc sách còn giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, khả năng tập trung và giảm căng thẳng. Việc đọc sách thường xuyên cũng giúp trẻ hình thành tính kiên nhẫn và sự tự tin trong cuộc sống.
Nguyên nhân khiến bé không thích đọc sách
Trong quá trình nghiên cứu nguyên nhân, các chuyên gia giáo dục đã nhận ra một số lỗi lầm mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi muốn tạo thói quen đọc sách cho trẻ. Cụ thể các nguyên nhân đó là:
Mua nhiều sách nhưng không đọc cùng trẻ
Một số phụ huynh cho rằng việc mua thật nhiều sách cho con có thể giúp chúng quen thuộc với sách và có thể dần phát triển tình yêu thích đối với việc đọc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng trẻ em thường rất ham chơi, khả năng tập trung của trẻ còn hạn chế, và vì vậy, việc tự mình phát triển thói quen đọc sách rất khó.
Không chọn sách dựa theo sở thích của trẻ
Trong quá trình khuyến khích trẻ đọc sách, bố mẹ ít kinh nghiệm thường bỏ qua sở thích, tuổi tác, hoặc cá tính của con mà thay vào đó chỉ tập trung vào những gì họ cho là có ích. Ví dụ, trẻ thích sách về khủng long nhưng bố mẹ lại cho rằng sách về cách hành xử sẽ tốt hơn. Việc chọn sách theo ý muốn của bố mẹ có thể làm mất đi sự hứng thú của trẻ đối với sách, gây cảm giác ép buộc không tự nguyện.
>>> xem Thêm: Những phương pháp rèn luyện kỹ năng đọc cho trẻ ba mẹ nên biết
Đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ
Sau khi đọc xong một quyển sách, một số bố mẹ thường hỏi trẻ một số câu hỏi xoay quanh nội dung sách. Khi trẻ trả lời sai, bố mẹ thường buông những câu nói rất tiêu cực. Điều này sẽ vô hình khiến trẻ cảm thấy áp lực, mất đi niềm vui và hứng thú khi đọc sách. Thậm chí là chống đối, không muốn đọc.
Các phương pháp xây dựng sở thích đọc sách cho bé
Để tạo thói quen đọc sách cho trẻ, bố mẹ cần kiên trì áp dụng các phương pháp sau:
Cho trẻ tiếp xúc với sách ở mọi nơi
Bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với sách ở mọi nơi, từ nhà, trường học, đến thư viện,… Bố mẹ có thể mua sách, cho trẻ mượn sách từ thư viện hoặc tặng sách cho trẻ. Bên cạnh đó, đừng quên đặt sách ở những nơi dễ thấy trong nhà để trẻ có thể dễ dàng lấy đọc.
Bố mẹ hãy làm gương cho trẻ
Trẻ em thường học theo hành vi của người lớn rất nhanh, đặt biệt là giai đoạn đầu đời. Vì vậy, bố mẹ hãy là tấm gương cho trẻ bằng cách thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe trước khi đi ngủ, đọc sách trước mặt trẻ hoặc cùng trẻ đọc sách.
Thảo luận với con về những gì đã đọc
Sau khi đọc sách cùng trẻ, bố mẹ hãy dành thời gian thảo luận với trẻ về những gì đã đọc. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu sâu hơn về nội dung sách và tạo hứng thú khi đọc sách. Bố mẹ chỉ cần thảo luận những câu đơn giản như: “Con thấy bạn rùa có giỏi không?” và cố gắng không áp đặt trẻ trả lời hay thảo luận đúng hoàn toàn nội dung trong sách.
Chọn sách theo sở thích của trẻ
Ví dụ, trong giai đoạn mầm non, trẻ thường thích những cuốn sách có nhiều hình ảnh hơn là chữ. Khi trẻ đã biết đọc, bố mẹ có thể chọn những cuốn sách có nội dung dễ hiểu, ít hình ảnh hơn một chút, và quan trọng nhất là lựa chọn sách theo sở thích của trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ đọc những tác phẩm kinh điển trên thế giới, có thể là những tác phẩm văn học của các tác giả nổi tiếng.
Áp dụng chính sách đọc sách có thưởng
Một cách rất hữu ích để thúc đẩy thói quen đọc sách cho trẻ là áp dụng “chính sách đọc sách có thưởng” Khuyến khích mọi người tham gia trò chơi đọc sách, xác định rõ ràng về số lượng sách cần đọc, việc tóm tắt nội dung… để xếp hạng. Hoạt động này không chỉ giúp gia đình trau dồi kiến thức mà còn tạo ra một sân chơi lành mạnh, kích thích sự cạnh tranh tích cực giữa các thành viên và gia tăng gắn kết.
Trong quá trình thực hiện “chính sách” này, nên khuyến khích mọi người khám phá nhiều thể loại sách khác nhau. Nếu con hoàn thành mục tiêu, việc trao thưởng cho con sẽ tạo động lực tích cực. Lưu ý rằng, phần thưởng nên là vật phẩm cụ thể, là thứ bé thích. Tránh sử dụng thức ăn làm phần thưởng sẽ tạo thói quen không tốt.
Tạo môi trường đọc sách vui vẻ cùng con
Môi trường để trẻ đọc sách cần mang đến sự thoải mái, dễ chịu. Ví dụ, khi bố mẹ kể chuyện cho trẻ, hãy bắt chước âm thanh của động vật hoặc tái hiện âm thanh của máy móc, cùng với tiếng gió thoảng qua,… Những hành động này rất dễ khiến trẻ cảm thấy thích thú và muốn bắt chước theo. Không chỉ vậy, khi đó trẻ càng hứng thú với việc đọc và ghi nhớ những gì đã đọc một cách dễ dàng.
Với sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người lớn, việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ sẽ trở thành một trải nghiệm vui vẻ và hữu ích, góp phần tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ và đồng thời, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.
>>> Xem Thêm: Bí quyết phát triển ngôn ngữ toàn diện cho trẻ