Ghi chép không chỉ là việc ghi lại những thông tin cần thiết, mà còn là hình thức giúp “mở rộng” trí nhớ của chúng ta một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ gặp trường hợp dù đã chăm chú lắng nghe, ghi lại những thông tin được cho là quan trọng, nhưng đến hôm sau hoặc trước các kỳ kiểm tra quan trọng bạn lại không thể nhớ bất cứ điều gì mình đã viết? Hãy cùng Edu For Life tìm hiểu 5 phương pháp ghi chép thông minh giúp học văn hiệu quả, đồng thời nâng cao kỹ năng học tập của bản thân.
TẠI SAO GHI CHÉP THÔNG MINH LẠI QUAN TRỌNG?
Ghi chép có thể phục vụ hai mục đích:
-
- Giúp bạn loại bỏ những thứ ít quan trọng hơn ra khỏi đầu.
- Giúp giữ những điều quan trọng ở lại trong trí não, từ đó giúp bạn hiểu bài và suy nghĩ tốt hơn.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào cách ghi chép giúp bạn ghi nhớ hiệu quả những điều quan trọng. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải thực hiện 2 bước:
-
- Bước 1: Buộc bản thân lọc thông tin quan trọng
- Bước 2: Tạo một bản ghi cô đọng, được cá nhân hóa về thông tin.
GHI CHÉP THÔNG MINH CÓ GIÚP BẠN HỌC VĂN HIỆU QUẢ KHÔNG?
Ghi chép hiệu quả liên quan đến rất nhiều nỗ lực nhận thức. Khi ghi chép (hay ghi chú), bạn lọc ra những thông quan trọng, bạn cố gắng hiểu nó, cố gắng cô đọng thông tin, sắp xếp nó và sau đó viết nó ra. Sự kết hợp của các quá trình này giúp bạn học tốt hơn.
Vì vậy, ghi chép thông minh có thể giúp bạn học và hiểu tài liệu tốt hơn.
Ngoài ra, nó mang lại một số lợi ích cho việc học văn cũng như học các môn khác như:
-
- Chúng ta phải tích cực lọc ra những thông tin quan trọng và chăm chú lắng nghe bài giảng hơn.
- Chúng ta cần chọn lọc hơn những gì mình sẽ viết.
- Chúng ta phải biết cách tóm tắt các nội dung bài giảng để kịp tốc độ ghi chép.
Tuy nhiên, ghi chú thông minh khác với hành động ghi chép đơn thuần bởi việc ghi chép nguyên văn chỉ là một cách ghi chép thụ động.
Điều khác biệt giữa những người ghi chép giỏi và những người ghi chép thông thường là cách họ suy nghĩ TRƯỚC KHI tạo ra ghi chú của mình.
Những người ghi chú giỏi cô đọng và tổng hợp thông tin trong não trước khi viết, do vậy họ học trong khi ghi chép.
Những người ghi chép thông thường chỉ nhắc lại thông tin từ bài giảng/sách giáo khoa tức là họ chỉ ghi lại thông tin.
5 PHƯƠNG PHÁP GHI CHÉP THÔNG MINH GIÚP HỌC VĂN HIỆU QUẢ
#1 – Phương pháp dàn ý (The Outline Method): Phương pháp ghi chép tốt nhất để ghi chép có tổ chức
Phương pháp dàn ý cho đến nay là kỹ thuật ghi chú được sử dụng phổ biến nhất mọi thời đại vì nó đơn giản, khoa học và trực quan.
“Tôi thấy rằng phương pháp này là hoàn hảo để ghi lại một bức tranh ngắn gọn về toàn bộ cuốn sách mà không làm mất bất kỳ chi tiết quan trọng nào .” (Thomas Frank từ College Info Geek, 10 bước để đạt điểm cao)
Như tên gọi, đây là cách ghi chú dưới dạng dàn ý, được thực hiện theo tuyến tính. Bạn có thể ghi chú những nội dung quan trọng nhất (ý chính) cùng với những nội dung bổ trợ (ý phụ) và một vài lưu ý khác.
Điểm hạn chế của phương pháp này là sẽ không thích hợp với những bài giảng có cấu trúc rối rắm, phức tạp và rất khó để chèn thêm nội dung vào các ý đã được ghi chú trước đó.
#2 – Sketchnote – Phương pháp ghi chú tốt nhất trong các thuật ghi nhớ
Sketchnote – Ghi nhớ phác thảo/Ghi chú trực quan là hình thức tác động thực sự hiệu quả tới các Vùng ký ức trong bộ não.
Đây là hình thức kết hợp ghi chú viết tay truyền thống với hình vẽ, biểu tượng và các yếu tố sáng tạo khác để tạo ra một bản ghi chú hấp dẫn với những hình ảnh trực quan, rõ ràng.
Sketchnote sẽ không đi sâu vào việc thể hiện nội dung chi tiết mà tập trung vào ý tưởng, nội dung chính thông qua hình vẽ, bố cục và chữ viết.
Các bước vẽ Sketchnote:
-
- Hãy bắt đầu sketchnote với Tiêu đề và Một cái khung.
- Lập danh sách ý tưởng và nội dung chính: Dùng các chữ cách điệu hoặc in đậm cho nội dung chính, viết chữ thông thường với những nội dung chi tiết.
- Dùng các hình cơ bản như hình tròn, hình tam giác và hình vuông… để thay thế cho các gạch đầu dòng màu đen đơn giản hoặc để đánh dấu các mục cùng loại.
- Dùng các hình dạng hộp, bong bóng đối thoại, đám mây suy nghĩ và biểu ngữ để thu thập một nhóm mục lại với nhau hoặc để nhấn mạnh một điểm chính.
- Các biểu tượng kết nối: Mũi tên, đường dẫn, đường thẳng, đường đôi và đường chấm chấm có thể được sử dụng để liên kết các khái niệm liên quan.
- Các biểu tượng đơn giản là một cách dễ dàng để thêm hình ảnh vào ghi chú của bạn. Một số ví dụ là hình que, sách, thư, bóng đèn, bánh răng và đám mây….
Sketchnote giúp bạn nén một số từ thành một hình ảnh, tăng hiệu quả ghi nhớ và có thể truy xuất dễ dàng.
#3 – Sơ đồ tư duy (Mind mapping) – Phương pháp ghi chú tốt nhất để động não
Tony Buzan, người sáng tạo ra Sơ đồ tư duy có nói rằng Sơ đồ tư duy “bắt chước cách chúng ta suy nghĩ”.
Đây là phương pháp tận dụng những từ khóa và hình ảnh sáng tạo tạo thành dạng lược đồ phân nhánh với chủ đề trung tâm sẽ nằm ở chính giữa sơ đồ. Như vậy, một khối lượng kiến thức lớn của nhiều trang sách có thể được ghi chú hết sức cô đọng trong một trang giấy, mà không bỏ sót bất kỳ một thông tin quan trọng nào.
(Để hiểu chi tiết cách làm Sơ đồ tư duy, xin mời tham khảo bài viết: Hướng dẫn cách đơn giản nhất để học văn hiệu quả theo sơ đồ tư duy)
Phương pháp này phát huy tối đa hiệu quả khi bạn muốn tổng hợp kiến thức và ôn tập trước mỗi kỳ thi. Tuy nhiên nó sẽ làm bạn mất khá nhiều thời gian để ghi chú, vì vậy thường khó để áp dụng khi đang nghe giảng trực tiếp trên lớp.
#4 – Ghi chú Cornell – Phương pháp ghi chú tốt nhất để ghi nhớ tích cực
Đây là phương pháp ghi chú rất nổi tiếng bởi tính hiệu quả của nó. Nếu thực hiện đúng, nó có thể giảm thời gian học của bạn và cho phép bạn ôn tập hiệu quả.
Phương pháp Cornell thường chia một trang giấy làm 3 hoặc 4 phần:
– Hàng ở đầu trang: Tiêu đề
– Hàng ở dưới cùng: Bản tóm tắt nội dung (thực hiện sau khi bài giảng kết thúc).
– Bảng trung tâm gồm 2 cột ở giữa:
+ Cột bên trái chiếm 30%: gồm các keywords và câu hỏi (thực hiện sau khi bài giảng kết thúc).
+ Cột bên phải chiếm 70%: Ghi lại các ý chính trong suốt thời gian bài giảng diễn ra
Phương pháp ghi chép của Cornell rất xuất sắc vì nó sử dụng cách tiếp cận “ba lượt” để học – nghĩa là bạn tiếp cận tài liệu theo ba cách khác nhau. Điều này là tối ưu để lưu giữ thông tin lâu dài trong bộ nhớ của bạn.
#5: Phương pháp biểu đồ (The charting method) – Phương pháp ghi chú tốt nhất để tổng hợp các mối quan hệ
Đây là kiểu ghi chú phi tuyến tính, các thông tin được sắp xếp thành các cột và hàng cô đọng những điểm tương đồng, khác biệt hoặc đặc điểm chung của hai khái niệm/đối tượng/sự kiện. Nhìn bào biểu đồ chúng ta dễ dàng so sánh đối tượng với nhau.
Phương pháp này sẽ giúp bạn nhớ được nhiều thông tin một cách rõ ràng, rất hữu ích khi cần để tóm tắt toàn bộ bài giảng để chuẩn bị trước kỳ thi.
Tuy nhiên, nhược điểm của Phương pháp biểu đồ là khá khó sử dụng khi ghi bài giảng. Ngược lại, sau giờ lên lớp, nếu bạn cần được tổng hợp thông tin, đó là lúc tất cả sức mạnh của nó được mở khóa.
————————
Các phương pháp ghi chép thông minh là phương tiện giúp việc học văn cũng như việc ghi nhớ thông tin thực sự hiệu quả.
Để trở thành một học sinh – sinh viên xuất sắc, hãy hãy bắt đầu từ đầu và thử từng phương pháp. Edu For Life liên tục chia sẻ và cập nhật những quan điểm, phương pháp, ý tưởng giáo dục mới mẻ, tiến bộ và sẽ là người bạn đồng hành để việc học tập của bạn trở nên đầy cảm hứng.
Tags: ghi chép thông minh giúp học văn hiệu quả, học văn hiệu quả