Khi bọn trẻ con lớn hơn 6 tuổi, chúng bắt đầu học được vô vàn các trò nhảm nhí từ bạn bè, hàng xóm, biết tự đọc sách, tự search google để tìm hiểu những gì chúng cần. Đó là thời điểm mà một người mẹ thông minh cần phải biết tỏ ra ngốc nghếch, nếu muốn có một đứa con ham tìm tòi, học hỏi và sáng tạo.
Vì mình là một người mẹ không quá ngốc nghếch, nên khi bọn trẻ con được 6 tuổi, câu cửa miệng của mình là: Ôi, mẹ không biết, con có thể dạy mẹ được không?
Thằng lớn vừa chế tạo được một cái tàu thủy chạy bằng động cơ của một cái ô tô cũ bị hỏng, nó hớn hở khoe. Thế là mình bảo: Ôi, mẹ không biết, con có thể nói tại sao con lại làm được thành cái tàu thủy này không?
Thằng lớn mang kính thiên văn ra nhìn trời ngắm đất, bảo mẹ ơi mẹ nhìn xem, đây là sao Mộc vì nó có mấy cái vằn đen đen. Mình bảo: Ôi mẹ không biết sao Mộc thế nào, làm sao mà con biết thế?
Thằng lớn bảo: chú Lý Tiểu Long chú ấy giỏi võ lắm, nhưng hơn 30 tuổi chú ấy đã bị chết rồi. Mình bảo: Ôi thế à, mẹ không biết, sao chú ấy lại chết sớm thế?
Mỗi lần thấy mẹ ngốc quá, mà thực ra là ngốc thật, không biết thật chứ chẳng phải đùa, là bọn trẻ con ra sức giải thích, chứng minh này nọ. Thậm chí, chúng dạy mình rất có phương pháp. Muốn cho mẹ hiểu bầu trời ra sao, thì thằng lớn điều chỉnh cái kính thiên văn thật chính xác, từ từ đỡ cái đầu vụng về của mẹ vào đúng vị trí. Thế mà thường thì là mình ngọ ngoạy một lúc, sao Mộc sao Kim lại biến đâu mất, không nhìn thấy gì nữa, nó lại lọ mọ căn chỉnh lại. Mình thò tay vào mấy thứ đồ chơi của nó một lúc, lại kêu ầm lên: Ôi thôi thôi mẹ dốt cái này quá, mẹ chẳng biết dùng nó như thế nào. Hai anh thầy lại ra sức dạy dỗ, cho đến lúc mẹ buộc phải thừa nhận là mình hiểu thì thôi.
Càng ngày, những thứ chúng nó quan tâm càng đi lệch ra khỏi sở trường của mình, và những thứ chúng nó biết càng vượt xa khả năng ghi nhớ của mình. Và mình vui mừng biết bao khi được nói với chúng hàng ngày: Ôi, mẹ không biết.
Có một cách học tốt nhất, đó là bằng cách dạy người khác.
Có một công thức mà những người làm giáo dục ai cũng biết, đó là tháp học tập, dựa trên nền tảng tháp nhu cầu của Maslow, trong đó chỉ rõ, người ta học được 10% bằng cách đọc, 20% bằng cách nghe, 30% bằng cách minh họa, 50% bằng cách thảo luận, 75% bằng cách thực hành và 90% bằng cách dạy người khác.
Tại sao dạy người khác lại là cách học tốt nhất?
Anniel Murphy Paul, tác giả của cuốn sách “Brilliant: the new science of smart”, cho rằng, những học sinh được giao nhiệm vụ hướng dẫn người khác học thường làm việc chăm chỉ hơn để hiểu các tài liệu, ghi nhớ nó lâu hơn và vận dụng hiệu quả hơn, đạt được điểm số cao hơn so với những học sinh học bằng cách thông thường. Những đứa con đầu lòng thường có chỉ số IQ cao hơn nhờ việc luôn phải dạy cho các em.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc học bằng cách dạy trở thành một cách học tốt nhất.
Trước hết, những cảm xúc nảy sinh trong quá trình dạy cho người khác cũng là một xúc tác vô cùng quan trọng giúp cho việc học có hiệu quả. Cảm giác tự hào về sứ mệnh mà mình đang nắm, niềm mong muốn được giúp đỡ người khác sẽ giúp đứa trẻ cảm thấy tự tin và luôn gắng sức để đạt tới kết quả. Cảm giác thất vọng khi người học thất bại, không hiểu những gì mình dạy cũng khiến chúng luôn nỗ lực để tìm ra một cách lí giải vấn đề đơn giản và dễ hiểu nhất.
Việc dạy cho người khác cũng buộc trẻ phải huy động ngôn ngữ để diễn tả những hiểu biết của bản thân, đồng thời điều chỉnh ngôn ngữ của mình sao cho phù hợp với người nghe. Nói cách khác, trẻ sẽ học được cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp sao cho hiệu quả nhất.
Việc dạy cho một người mẹ vụng về, chậm hiểu cũng đặt ra cho trẻ những thách thức đòi hỏi chúng phải rất linh hoạt, sáng tạo để tìm ra nhiều cách giải thích khác nhau, đồng thời học cách kiên nhẫn cũng như thói quen thông cảm, tương tác, giúp đỡ người khác. Đó chính là những phẩm chất rất quan trọng mà các bà mẹ cần rèn luyện cho con mình ngay từ nhỏ.
Ở mỗi độ tuổi, trẻ có thể dạy người lớn những bài học khác nhau. Khi bé lên 2 tuổi, bạn có thể đặt ra những câu hỏi con gì đây, cái gì đây, màu gì thế nhỉ cho trẻ trả lời. Khi trẻ đã trả lời thành thục, hãy tạo cơ hội cho trẻ được trở thành người đặt câu hỏi, và thỉnh thoảng bạn cố tình trả lời sai đi một chút, để trẻ có cơ hội được chữa lỗi cho bạn. Khi con đi học mẫu giáo về, bạn có thể hỏi hôm nay cô dạy con bài gì, sau đó khuyến khích trẻ dạy lại bài học ở lớp. Cố gắng càng chậm hiểu càng tốt, càng ngô nghê càng tốt, càng mắc lỗi nhiều càng tốt để trẻ có cơ hội được thể hiện sự tài giỏi, thông minh của mình.
Khi bé lên 4-5 tuổi, hãy nói với con: Mẹ không biết làm thế nào để buộc được dây giày. Mẹ không biết làm thế nào để đóng được cái cúc này. Mẹ muốn nghe chuyện Cái bánh biết đi quá vì lâu không được nghe, mẹ quên mất rồi. Và hãy tiếp tục đóng vai một học trò ngoan ngoãn, đầy tò mò nhưng siêu ngốc nghếch để con giải thích cho bạn.
Khi con lớn hơn nữa, bạn càng nên tỏ ra mình ngốc nghếch hơn. Ồ, sao bầu trời lại màu xanh nhỉ. Mẹ không biết tại sao mà bọn trẻ con lại cứ thích nghịch ngợm. Sao hạt mưa rơi xuống mà lại không bay ngược lên trời. Cái đồ chơi này hay nhỉ, làm thế nào để mẹ chơi được nó bây giờ. Mẹ để quên thẻ thang máy rồi, phải làm thế nào bây giờ. Thôi chết, mẹ đánh rơi mất chìa khóa nhà rồi, làm thế nào bây giờ. Mẹ đang bận nhiều việc quá, chẳng còn nhiều thời gian để dạy các con học, làm thế nào bây giờ… Bạn càng ngốc nghếch bao nhiêu, con bạn lại càng muốn tỏ ra chúng thông minh bấy nhiêu. Bạn càng tỏ ra khiêm nhường, con bạn lại càng tự tin. Hãy tìm ra điểm sở trường của chúng, thứ mà chúng quan tâm, hứng thú và hiểu biết nhất và ngoan ngoãn làm một người học trò không ngừng học hỏi.
Trong thực tế, bạn không bao giờ có thể địch nổi sự thông minh, sáng tạo, khả năng tưởng tượng bay bổng, trí nhớ siêu phàm của trẻ. Vì thế, từ chỗ đóng vai một người học, dần dần, khi con lớn lên, bạn cần phải thành tâm và khiêm tốn học hỏi, thừa nhận những yếu kém của mình và trao cho con niềm tự hào của một người được giúp đỡ, hỗ trợ người khác, cũng như niềm hứng thú được tự mình khám phá thế giới vô tận của tri thức.
Bởi vì người mẹ thông minh nhất có lẽ là người mẹ luôn biết tỏ ra ngốc nghếch và luôn sẵn sàng học hỏi từ đứa con thông minh của mình.
(TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh)