Ngày 09/12/2015, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, sáng lập Dự án Phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở ra đã trình bày tham luận tại Hội thảo Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng do Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức tại Bắc Giang. Bài tham luận đã nhận được đánh giá cao của các cử tọa tham dự hội thảo.
Nhằm đánh giá thực trạng thư viện trường học, đề xuất giải pháp để phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện trường học và chính sách thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, tiến tới xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, sáng ngày 09/12/2015, tại thành phố Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng”.
Hội thảo “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng thư viện trường học, đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả hệ thống thư viện trường học và chính sách thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, tiến tới xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Tham gia Hội thảo có đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội đồng Quốc gia giáo dục, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Văn phòng Bộ GD&ĐT, một số trường đại học, đại diện Sở GD&ĐT 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; đại diện một số trường học tại tỉnh Thái Bình đã triển khai tốt văn hóa đọc trong học sinh những năm qua; lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang và một số trường học trong tỉnh. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh khẳng định, một trong những yếu tố tạo nên thành công đặc biệt của giáo dục Phần Lan là hệ thống thư viện công cộng được coi là phát triển nhất thế giới và mạng lưới thư viện trường học được khai thác một cách hết sức hiệu quả để hỗ trợ cho việc học.
Từ năm 2001 đến 2004, nhận thấy đọc và viết là hai kĩ năng quan trọng hàng đầu của thế kỉ XXI, Bộ Giáo dục Quốc gia Phần Lan đã thực hiện dự án Reading Finland, một trong những dự án trọng điểm của giáo dục quốc gia, nhằm cải thiện kĩ năng đọc và viết của học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Các nhà lãnh đạo giáo dục cũng nhận thấy, cách hiệu quả nhất để phát triển kĩ năng đọc và viết là nâng cấp thư viện trường học và tăng cường sự hợp tác giữa thư viện trường học và các thư viện công cộng ở địa phương. 50 thành phố đã bắt tay vào việc xây dựng mạng lưới thư viện trường học. Các trường học bắt đầu nhận ra ý nghĩa và chức năng của thư viện trường học trong dạy học, đặc biệt là dạy học trong theo tinh thần hướng tới sự tự kiến tạo tri thức của người học. Rất nhiều dự án đã được triển khai thành công ở Espoo, Oulu và Kuopio và sau đó được nhân rộng ra các thành phố khác. Hiệp hội Thư viện, Bộ Giáo dục cũng vào cuộc, nhằm định hướng tầm nhìn, chiến lược cũng như đưa ra những hướng dẫn thực tế.
Năm 2002, dựa trên kinh nghiệm và thành quả của Espoo, một trong những địa phương đã xây dựng thành công thư viện trường học mẫu, Bộ Giáo dục Quốc gia và Hiệp hội thư viện trường học Phần Lan đã xuất bản cuốn Thư viện trường học chuẩn (A good school library), nhằm đưa ra những hướng dẫn và quy định cụ thể, giúp các địa phương có thể xây dựng và vận hành tốt nhất mạng lưới thư viện trường học của mình. Dự án này có thể nói, là một trong những tác nhân góp phần tạo nên sự thành công đáng ngạc nhiên của giáo dục Phần Lan.
Mô hình thư viện chuẩn Phần Lan với các đặc điểm chính: thư viện như là trái tim của trường học, tập trung sâu sắc vào việc hướng dẫn kĩ năng đọc và kĩ năng tìm kiếm thông tin của người đọc, vai trò kép của thủ thư có thể là một mô hình tham khảo cho thư viện trường học ở Việt Nam.
Để có thể xây dựng một nền văn hóa đọc bền vững, lành mạnh, tạo nên một thế hệ người đọc thông minh trong tương lai, cần bắt đầu từ việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trẻ em. Và trường học chính là cái nôi quan trọng thứ hai sau gia đình có thể nuôi dưỡng và khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, tinh thần ham học hỏi. Và nếu coi bản chất của việc học là tự học, tự tiếp thu thông tin, tri thức từ nhiều nguồn khác nhau, thì hoạt động đọc trong nhà trường cần được coi là một trong những hoạt động quan trọng nhất. Kinh nghiệm của Phần Lan cho thấy, một quốc gia đọc sách sẽ là một quốc gia có nền giáo dục tốt, một quốc gia có nền giáo dục tốt thì sẽ phát triển một cách bền vững.
Các bạn có thể đọc toàn văn tham luận tại đây.