Theo thống kê, hơn 30% trẻ em từ 6 – 15 tuổi hiện nay đang mắc tật khúc xạ, với tỷ lệ cận thị học đường chiếm hơn 2/3. Bài viết này sẽ chia sẻ những phương pháp chăm sóc mắt khoa học giúp bảo vệ đôi mắt của trẻ luôn sáng khỏe mỗi ngày. Cùng khám phá nhé!
Cận thị ở trẻ em và những điều bạn cần biết
Cận thị đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Hiện nay có khoảng 3 triệu trẻ em trên cả nước mắc tật khúc xạ về mắt, trong đó 2/3 là cận thị, tập trung chủ yếu ở đô thị với tỷ lệ 30-35%. Khảo sát tại một số trường học ở thành phố lớn cho thấy, tỷ lệ học sinh cận thị trong một lớp có thể lên đến hơn 50%. Đây là con số vô cùng đáng báo động.
Cận thị ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhìn của trẻ. Do đặc điểm của tật khúc xạ này, trẻ chỉ nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần mà không nhìn rõ những mục tiêu ở xa. Nếu không được điều chỉnh bằng kính mắt, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn rõ bảng, các chữ số ở cự ly xa, dẫn đến tình trạng chép bài không kịp, không hiểu bài, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập và thậm chí gây ra tâm lý chán học.
Bên cạnh đó, một số trẻ mắc cận thị nhưng lại không chịu đeo kính hoặc hay bỏ kính, khiến độ cận tăng nhanh chóng. Do mắc cận thị ở độ tuổi còn nhỏ, ý thức bảo vệ mắt kém, lại đang trong giai đoạn đi học (phải nhìn và đọc nhiều, ít vui chơi ngoài trời), nên số kính của trẻ thường tăng lên nhanh.
Nguyên nhân và hệ lụy của cận thị ở trẻ
Có nhiều yếu tố gây nên tình trạng cận thị học đường ở trẻ em như:
- Thiếu ngủ: Trẻ trong độ tuổi từ 7 – 9 và 12 – 14 cần ngủ đủ giấc để phát triển toàn diện. Nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian ngủ vì học quá nhiều, nguy cơ cận thị sẽ tăng cao.
- Yếu tố bẩm sinh: Trẻ sinh ra với trọng lượng cơ thể dưới 2,5kg hoặc sinh thiếu tháng (từ 2 tuần trở lên) có nguy cơ cao bị cận thị hơn so với trẻ bình thường.
- Thói quen sinh hoạt: Xem tivi quá gần (hơn 2 giờ mỗi ngày, với khoảng cách dưới 3m), ngồi học hoặc đọc sách cúi gằm mặt, ngồi học trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo đều khiến trẻ có nguy cơ cận thị.
Cận thị gây nhiều cản trở trong sinh hoạt, học tập và làm việc. Nguy hiểm hơn, cận thị có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Giãn lồi
- Nhược thị
- Xuất huyết võng mạc
- Thoái hoá, teo hắc võng mạc
- Giảm thị lực trầm trọng, thậm chí mù lòa
Những cách phòng tránh cận thị học đường
Để tránh cận thị cho con, ba mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây:
Vệ sinh mắt đúng cách cho trẻ
Vệ sinh mắt hằng ngày là việc vô cùng quan trọng. Nó giúp mắt giảm căng thẳng, thư giãn và phòng tránh cận thị học đường. Đối với trẻ bị viêm giác mạc hoặc khô giác mạc, bạn nên sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch lớp bẩn bên ngoài. Sau đó, dùng thuốc nhỏ mắt Mytropine 0.01% hoặc nước mắt nhân tạo Samil-Vidone để làm dịu mắt, chống khô.
Khi lựa chọn thuốc nhỏ mắt, hãy ưu tiên những sản phẩm có chứa nhiều dưỡng chất như vitamin, chondroitin sulfate, acid amin, hydrogel. Các dưỡng chất này giúp tăng độ nhầy cho thuốc, từ đó giúp thuốc lưu giữ lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu. Lưu ý chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt theo liệu trình. Khi thấy tình trạng mỏi mắt, khô mắt cải thiện, hãy ngưng sử dụng thuốc. Chỉ khi nào triệu chứng tái phát mới dùng thuốc trở lại.
Đặc biệt, nếu mắt trẻ đang bình thường, không nên nhỏ mắt hằng ngày. Việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt thường xuyên sẽ làm mất khả năng tự tiết dịch nhầy của mắt, ảnh hưởng đến thị giác của trẻ khi lớn lên.
Đảm bảo môi trường sinh hoạt và học tập có đủ ánh sáng
Để bảo vệ thị lực và giấc ngủ của trẻ, ba mẹ nên hạn chế đồ điện tử trong phòng ngủ. Ánh sáng chói từ màn hình máy tính, điện thoại hay tivi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mắt và khiến trẻ khó ngủ. Thay vào đó, hãy tạo môi trường ngủ với ánh sáng vàng dịu nhẹ, thông thoáng và mát mẻ để bé có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Tiếp theo, hãy chú ý đến khu vực học tập của con. Bàn học nên đặt gần cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, giúp bé học tập và vui chơi hiệu quả hơn. Bổ sung đèn bàn và đèn chiếu sáng phù hợp ở các góc độ để tránh bé bị khuất sáng khi học bài.
Có tư thế ngồi học đúng chuẩn
Khi học bài, trẻ cần ngồi ngay ngắn, lưng và cổ thẳng để tránh gù lưng và vẹo cột sống. Khoảng cách từ mắt đến trang sách đối với trẻ từ 6 – 10 tuổi là 25cm, và trẻ lớn hơn nên giữ khoảng cách từ 30 – 40cm.
Với việc học online tại nhà sử dụng máy vi tính hoặc máy tính bảng, trẻ cần chú ý giữ khoảng cách khoảng 60cm so với màn hình để giảm thiểu điều tiết mắt và hạn chế ảnh hưởng xấu từ ánh sáng màn hình.
Lưu ý đặc biệt, trẻ không nên đọc sách khi đi tàu xe vì môi trường rung lắc rất có hại cho mắt.
Xem tivi đúng cách
Tránh đặt tivi gần nơi vui chơi và học tập của trẻ. Vị trí này dễ thu hút trẻ xem tivi nhiều hơn, khiến ba mẹ khó kiểm soát thời lượng xem. Thay vào đó, hãy đặt tivi ở phòng khách, nơi ba mẹ có thể dễ dàng theo dõi việc xem tivi của trẻ. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên dặn dò trẻ chỉ xem tivi một tiếng mỗi ngày để đảm bảo thời gian cho các hoạt động khác như học tập, vui chơi, rèn luyện thể chất và giao tiếp.
Khoảng cách từ chỗ bé ngồi xem đến tivi phải phù hợp, không quá xa hoặc quá gần. Ví dụ, với tivi 40 inch, khoảng cách an toàn là khoảng 4 mét (gấp 4 – 5 lần kích thước inch của màn hình tivi).
Khám mắt cho trẻ định kỳ
Theo khuyến cáo của các bác sĩ nhãn khoa, ba mẹ nên đưa con đi khám mắt, kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần. Việc thăm khám thường xuyên giúp phát hiện sớm các tật khúc xạ của mắt, từ đó có phương pháp điều chỉnh và chữa trị kịp thời.
Đối với trẻ đã cận thị trên 1 độ, cần cắt kính cho con đeo để hạn chế độ cận tăng nhanh. Tuy nhiên, không nên cho trẻ đeo kính áp tròng vì tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng mắt, khô và mỏi giác mạc. Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật mắt có thể được áp dụng, nhưng cần đợi đến khi trẻ 18 tuổi và độ cận đã ổn định.
Cận thị học đường là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và học tập của trẻ. Ba mẹ và nhà trường cần phối hợp để giáo dục và rèn luyện cho trẻ thói quen bảo vệ mắt tốt, giúp phòng ngừa và kiểm soát cận thị hiệu quả.