Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2017, gần 5 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học tại Việt Nam mắc tật khúc xạ, trong đó hơn 40% là cận thị, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. Để tìm hiểu thêm về tật cận thị ở trẻ em và những biện pháp phòng tránh, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Cận thị là gì?
Cận thị là một tật khúc xạ phổ biến ở mắt, khiến người bệnh gặp khó khăn khi nhìn các vật ở xa. Hình ảnh ở mắt người cận thị sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì hội tụ đúng trên võng mạc như mắt bình thường, khiến họ nhìn xa thì mờ nhưng nhìn gần lại rõ. Còn cận thị học đường là tình trạng đặc biệt xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học. Do ảnh hưởng đến khả năng học tập và vui chơi, cận thị học đường cần được quan tâm và có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Cận thị được phân loại thành 3 mức độ theo độ cận:
- Cận thị nhẹ: Dưới -3,00 diop
- Cận thị trung bình: Từ -3,00 diop đến -6,00 diop
- Cận thị nặng: Từ -6,00 diop trở lên
Các nguyên nhân gây ra cận thị ở trẻ
Có 4 nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng cận thị ở trẻ em:
Di truyền
Cận thị có thể di truyền do có hơn 24 gen quy định cấu trúc mắt, ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Theo nghiên cứu, 33-60% học sinh bị cận thị có cha mẹ cũng bị cận thị. Tỷ lệ di truyền từ cha mẹ sang con cái là 23-40% nếu chỉ một người trong hai người bị cận, và 6-10% nếu cả cha và mẹ đều không bị cận thị.
Tư thế ngồi học không phù hợp
Hiện nay, đa số trẻ em đều mắc lỗi trong tư thế ngồi học. Nếu không được người lớn hướng dẫn, các em thường có xu hướng bò ra bàn hoặc nằm lên giường để học. Việc ngồi học sai tư thế là nguyên nhân chính dẫn đến tật khúc xạ ở trẻ. Hơn nữa, môi trường học tập thiếu ánh sáng cũng là một yếu tố quan trọng góp phần gia tăng tỷ lệ cận thị học đường. Do đó, để hạn chế tật cận thị ở trẻ, cha mẹ và thầy cô cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhắc nhở và hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế.
Lạm dụng các thiết bị công nghệ
Công nghệ thay vì trở thành công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả, lại đang dần biến thành “thủ phạm” chính gây ra tình trạng cận thị học đường ngày càng phổ biến. Ánh sáng xanh độc hại từ màn hình thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi,… liên tục tác động lên mắt, xuyên qua lớp màng bảo vệ tự nhiên của nhãn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến đáy mắt, khiến mắt dễ bị khô và dẫn đến cận thị.
Hơn nữa, việc dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ khiến mắt phải điều tiết liên tục, trong thời gian dài. Lâu dần, thủy tinh thể mắt không thể co dãn về hình dạng ban đầu, dẫn đến tật cận thị ở trẻ em.
Chế dộ dinh dưỡng không phù hợp
Mặc dù dinh dưỡng không trực tiếp làm giảm tật cận thị, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe mắt và hạn chế gia tăng độ cận ở trẻ em đang trong độ tuổi học đường. Các thực phẩm giàu vitamin A, B, E như cá, trứng, cà chua, cà rốt, cải bó xôi, các loại hạt,… không chỉ giúp cải thiện thị lực mà còn hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh về mắt hiệu quả.
Những dấu hiệu cận thị ở trẻ
Cận thị thường không có dấu hiệu rõ ràng, khiến việc phát hiện ở trẻ em trở nên khó khăn. Do chưa hiểu rõ về tật cận thị, trẻ thường không chia sẻ với người lớn, dẫn đến tình trạng khi phát hiện ra thì trẻ đã bị cận nặng. Vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên quan sát biểu hiện của con để phát hiện sớm tật cận thị.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đi khám mắt ngay:
- Trẻ có xu hướng đưa sách vở, điện thoại di động quá sát mắt khi đọc hoặc nhìn màn hình.
- Khi nhìn xa, trẻ thường nheo mắt để cố gắng nhìn rõ hơn.
- Trẻ thường xuyên than vãn bị nhức đầu, đặc biệt là sau khi đọc sách, học tập trong thời gian dài.
- Trẻ có xu hướng ngồi quá gần tivi, màn hình máy tính hoặc bảng học.
- Trẻ chớp mắt hoặc dụi mắt thường xuyên, có thể kèm theo hành động nghiêng đầu để nhìn một bên nhiều hơn.
Cách phòng tránh cận thị ở trẻ
Để phòng tránh cận thị ở trẻ em, cha mẹ có thể tham khảo các cách sau:
Có tư thế ngồi chuẩn
Để đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt và hiệu quả học tập, trẻ cần chú ý tư thế ngồi học đúng cách. Khi ngồi học, trẻ cần giữ lưng và cổ thẳng, tránh gù lưng và vẹo cột sống. Khoảng cách từ mắt đến trang sách phù hợp với độ tuổi:
- Trẻ từ 6 – 10 tuổi: 25cm
- Trẻ lớn hơn (từ 11 tuổi trở lên): 30 – 40cm
Đối với trẻ học online tại nhà sử dụng máy tính hoặc máy tính bảng, cần giữ khoảng cách màn hình tối thiểu 60cm để giảm thiểu ảnh hưởng xấu của ánh sáng màn hình và giúp mắt điều tiết dễ dàng hơn.
Đảm bảo môi trường học tập của bé có đầy đủ ánh sáng
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là thị giác và giấc ngủ, bố mẹ nên lưu ý hạn chế đồ điện tử trong phòng ngủ của trẻ. Ánh sáng chói từ màn hình máy tính, điện thoại, tivi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mắt và khiến trẻ khó ngủ hơn. Thay vào đó, hãy tạo cho bé không gian ngủ với ánh sáng vàng dịu nhẹ, thông thoáng và mát mẻ để bé dễ dàng chìm vào giấc ngủ ngon.
Đối với khu vực học tập, bố mẹ nên đặt bàn học gần cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, giúp bé học tập và vui chơi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần trang bị đèn bàn và đèn chiếu sáng phù hợp ở các góc độ để tránh bé bị khuất bóng do thiếu đèn khi học bài.
Khám mắt định kỳ cho bé
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ nhãn khoa, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần để kiểm tra sức khỏe mắt cho bé. Việc khám mắt thường xuyên giúp phát hiện sớm các tật khúc xạ, từ đó có biện pháp điều chỉnh và điều trị kịp thời.
Đối với trẻ cận thị trên 1 độ, bác sĩ sẽ kê đơn kính cho bé đeo để hạn chế sự gia tăng độ cận. Tuy nhiên, cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng kính áp tròng vì có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng mắt, khô và mỏi giác mạc. Các phương pháp phẫu thuật mắt hiện nay chỉ được áp dụng khi trẻ đủ 18 tuổi và độ cận đã ổn định.
Những chia sẻ của Eduforlife về tật cận thi ở trẻ em trong bài viết này hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo. Quý phụ huynh vui lòng liên hệ với Bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.