Ngày xửa ngày xưa, khi ông bà ta còn nuôi dạy con trẻ, họ thường hay dùng câu nói: “Thương cho roi cho vọt” để thể hiện quan điểm về việc giáo dục con cái. Theo quan niệm này, việc sử dụng hình phạt thể xác như roi vọt xuất phát từ tình yêu thương, mong muốn con cái nên người. Tuy nhiên, với sự phát triển của tư duy và nhận thức, ngày nay nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn phương pháp dạy con không đòn roi.
Tại sao nên dạy con không đòn roi
Quan niệm “không đòn roi” không chỉ đơn thuần là việc không đánh trẻ em. Nó còn bao hàm việc loại bỏ mọi hành vi bạo lực, cả về thể xác lẫn tinh thần. Mắng chửi, chỉ trích nặng lời cũng là những hình thức bạo lực gây tổn thương tinh thần không kém gì so với việc đánh đập. Vậy, cụ thể, tại sao không nên dùng đòn roi để dạy trẻ?
Tránh gây tổn thương cho bé
Nhiều bậc phụ huynh thường dành tâm huyết tìm tòi phương pháp dạy con viết chữ tiếng Việt, tô màu đúng cách, học tiếng Anh, rèn luyện phép tắc chào hỏi lễ phép… Tuy nhiên, quá trình dạy học ấy đôi khi lại in hằn những giọt nước mắt đắng cay trên khuôn mặt thơ ngây của trẻ.
Việc áp dụng đòn roi có thể để lại những vết thương hằn sâu trên cơ thể non nớt của con. Những lời trách mắng nặng lời cũng như những lời chì chiết không ngừng nghỉ cũng gieo rắc những tổn thương tinh thần khó phai mờ trong tâm hồn trẻ thơ. Thay vì lựa chọn phương pháp giáo dục bạo lực ấy, cha mẹ hãy hướng đến cách dạy con không đòn roi để mang đến cho con môi trường học tập an toàn, yêu thương, tránh xa những cơn đau thể xác và ám ảnh tinh thần dai dẳng.
Giúp bé tự nhìn nhận lỗi sai
Thay vì la mắng khi bé mắc lỗi, cha mẹ hãy bình tĩnh phân tích và hướng dẫn con. Cách giáo dục không dùng bạo lực này sẽ giúp bé hiểu được lý do sai phạm và rút ra bài học cho những lần sau. Đánh mắng chỉ tạo ra nỗi sợ hãi, không giúp bé giải quyết vấn đề hiệu quả.
Giúp kết nối tình cảm với cha mẹ
Dạy con bằng phương pháp không đòn roi sẽ giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết và yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Thay vì dùng bạo lực để uốn nắn con, cha mẹ hãy kiên nhẫn thấu hiểu và hướng dẫn con bằng sự đồng cảm. Việc thường xuyên la mắng hay đánh đập bé sẽ khiến con sợ hãi, nảy sinh tâm lý phòng thủ và thu mình lại. Lâu dần, con sẽ khó mở lòng chia sẻ và kết nối với cha mẹ, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tinh thần và cảm xúc của trẻ.
Một số phương pháp dạy con không đòn roi
Dạy con không dùng đòn roi đòi hỏi sự kiên nhẫn và bình tĩnh từ cha mẹ, đặc biệt khi con bướng bỉnh, mè nheo. Dưới đây là một số cách áp dụng mà cha mẹ có thể tham khảo:
Kiểm soát cảm xúc của bản thân khi dạy trẻ
Nhiều cha mẹ áp dụng đòn roi với trẻ không nghe lời vì họ không thể kiểm soát được bản thân. Khi trẻ phạm lỗi, ương bướng, cha mẹ thường nổi nóng, quát mắng, dọa nạt và đánh đập con.
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp dạy con không đòn roi hiệu quả, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là kiềm chế được cảm xúc của bản thân. Thay vì la hét hay đánh con, hãy hít thở sâu, cố gắng bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động. Cha mẹ cũng cần rèn luyện sự kiên nhẫn và thấu hiểu con cái. Hãy dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con để hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của trẻ. Từ đó, cha mẹ có thể tìm ra cách giáo dục con phù hợp và hiệu quả hơn.
Lắng nghe và đồng cảm với con
Suy nghĩ và hành động của trẻ con khác biệt so với người lớn, vì vậy cha mẹ không nên áp đặt cách cư xử của bản thân lên con. Đồng cảm, lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành cùng con mới là chìa khóa giúp trẻ ngoan ngoãn và bớt ương bướng.
Khi cha mẹ thấu hiểu con, cả hai đều cảm thấy thoải mái, gắn kết và dễ dàng chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống. Lắng nghe, tôn trọng và đồng cảm với trẻ là phương pháp dạy con hiệu quả, đồng thời vun đắp tình cảm gia đình thêm bền chặt.
Nghiêm túc thực hiện những điều đã nói
Là tấm gương cho trẻ noi theo, người lớn cần nghiêm túc thực hiện những lời hứa và quy định đã đặt ra cho con. Cha mẹ không nên nuông chiều hay bỏ qua những lỗi lầm của con. Việc không thực hiện lời hứa hay không tuân thủ quy định sẽ khiến trẻ xem nhẹ những cam kết và dễ dàng tái phạm lỗi sai. Hơn nữa, điều này cũng ảnh hưởng đến tính kỷ luật và sự tự tin của trẻ trong tương lai. Do vậy, cha mẹ cần giữ chữ tín và nhất quán trong việc giáo dục con cái để trẻ hình thành thói quen tốt và trở thành người có trách nhiệm.
Phân biệt rõ thưởng và phạt
Khen thưởng và phạt là những công cụ thiết yếu giúp trẻ nhận thức rõ ràng về những hành vi đúng đắn và sai trái. Khi con làm tốt, hãy dành lời khen ngợi, động viên và sự công nhận để khích lệ trẻ phát huy những hành động tích cực. Lời khen chân thành sẽ tạo động lực cho trẻ tiếp tục cố gắng và hoàn thiện bản thân.
Ngược lại, khi trẻ mắc lỗi, cần áp dụng các hình phạt phù hợp với mức độ sai phạm để trẻ ghi nhớ và tránh tái diễn. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự nhận thức lỗi lầm và tự đề xuất hình phạt cho bản thân để rèn luyện tính trách nhiệm và kỷ luật.
Để con tự chịu trách nhiệm
Mức độ tự quyết định và chịu trách nhiệm của trẻ có thể tăng dần theo độ tuổi. Cha mẹ nên trao đổi với con về những hậu quả tiềm ẩn khi con vi phạm quy tắc. Đồng thời, hãy để con tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Cách làm này giúp con xây dựng tính tự lập và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề.
Ví dụ, nếu con chơi đồ chơi làm bẩn sàn nhà, hãy yêu cầu con tự lau dọn. Nếu con rót sữa bị đổ, hãy để con tự xử lý. Nếu đến bữa ăn mà bé không chịu ăn, con phải chờ đến bữa tiếp theo mới được ăn.
Khen ngợi và phê bình đúng cách
Để uốn nắn con trẻ một cách hiệu quả mà không cần dùng đến đòn roi, ba mẹ cần trang bị cho mình kỹ năng khen thưởng và góp ý phù hợp.
Khi con làm tốt, hãy dành cho bé những lời khen ngợi chân thành và cụ thể. Ví dụ: “Hôm nay con xếp đồ chơi gọn gàng lắm!”, “môn Toán của con đã tiến bộ nhiều”. Những lời khen này sẽ khích lệ con duy trì hành vi tốt và tiếp tục cố gắng.
Tuy nhiên, khi con mắc lỗi, thay vì chỉ trích nặng lời khiến con cảm thấy bản thân tồi tệ, hãy bình tĩnh cùng con tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết. Cha mẹ có thể gợi ý cho con cách sửa sai và động viên con tự rút ra bài học cho bản thân.
Tạo điều kiện cho bé tự tìm ra lỗi sai của mình
Thay vì vội vàng kết luận và trừng phạt con khi trẻ mắc lỗi, nhiều cha mẹ lại thiếu kiên nhẫn dành thời gian cho con tự nhận ra lỗi sai của bản thân. Trong khi đó, nhiều trường hợp trẻ chưa hiểu rõ hành vi của mình là sai trái, nên khi bị phạt, trẻ sẽ cảm thấy oan ức và không phục.
Do vậy, mỗi khi trẻ mắc lỗi, phụ huynh nên dành cho trẻ khoảng thời gian vừa đủ (khoảng 5-10 phút) để suy ngẫm và tự nhận ra sai lầm. Lưu ý tạo cho trẻ không gian yên tĩnh để suy nghĩ và thường xuyên quan sát để tránh trẻ cảm giác bị cô lập. Việc tạo điều kiện cho trẻ tự tìm ra lỗi sai cũng là cách rèn luyện khả năng tư duy và đánh giá vấn đề cho trẻ.
Cho trẻ tự chọn hình thức phạt khi phạm lỗi
Nhiều bậc phụ huynh lầm tưởng rằng việc phạt trẻ là sử dụng roi vọt hay bạo lực để con đau và nhớ, lần sau không mắc phải hành vi này nữa. Tuy nhiên, dạy con không sử dụng roi vọt không đồng nghĩa với việc không áp dụng hình thức phạt nào khi trẻ phạm lỗi. Thay vào đó, cha mẹ có thể áp dụng các hình thức phạt không đòn roi nhưng vẫn mang tính răn đe như: không cho trẻ chơi đồ chơi hay xem chương trình mà con yêu thích, cho trẻ đứng úp mặt vào tường…
Ngoài ra, việc để cho trẻ tự lựa chọn hình thức phạt khi con phạm lỗi cũng mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Khi trẻ chủ động lựa chọn, con không cảm thấy cha mẹ đang gây áp lực cho mình. Trẻ cũng sẽ nhận thức rõ hành động sai trái để lần sau không vi phạm hay không phải chịu phạt nữa.
Dù phương pháp dạy con không đòn roi đòi hỏi nhiều kiên trì và nỗ lực, nó lại mang lại hiệu quả vượt trội so với việc áp dụng bạo lực. Hy vọng cha mẹ đã có phương pháp dạy con phù hợp thông qua bài viết này!