“Để học tốt văn phải có năng khiếu” là một định kiến phổ biến hiện nay. Điều đó vô tình hạn chế sự hứng thú của nhiều học sinh đối với môn học quan trọng này. Thực tế đã chứng minh nếu có phương pháp đúng thì học sinh nào cũng có thể học tốt môn văn và biến môn học này trở thành một công cụ hữu ích để các bạn khám phá thế giới, đồng thời phát triển bản thân.
1. TẠI SAO HỌC SINH CẦN HỌC TỐT MÔN VĂN?
Mỗi tác phẩm văn học, theo nhiều cách, là tấm gương phản chiếu thế giới, xã hội, môi trường mà nó được hình thành hoặc thậm chí của người viết nó. Đây chính là nguồn tri thức vô giá về nhân loại. Vì vậy, việc học văn, yêu thích đọc sách sẽ giúp cho mỗi học sinh có được một cái nhìn rộng hơn về thế giới xung quanh mình. Chúng ta có thể thấy rõ những lợi ích của việc học tốt môn văn như:
(1) Văn học làm giàu vốn từ và bồi dưỡng cảm thụ văn học cho học sinh.
(2) Văn học truyền cảm hứng cho các em suy nghĩ về những khía cạnh đau khổ hoặc tươi đẹp của cuộc sống.
(3) Nó giúp học sinh có cơ hội phản ánh ý tưởng, niềm tin và cảm xúc của mình thông qua việc phân tích các văn bản văn học.
(4) Học văn phát triển năng lực tình cảm và trí tuệ của người học.
(5) Nâng cao năng lực cảm thụ văn học, hiểu biết hơn về cuộc sống và văn hóa.
2. PHƯƠNG PHÁP CỰC KỲ ĐƠN GIẢN ĐỂ HỌC TỐT MÔN VĂN
2.1. Học tích cực:
Hãy giữ cho mình một tinh thần thoải mái, hào hứng khi bắt đầu với môn học.
Nếu bạn thấy khó? Không sao cả!
Bất cứ ai khi bắt đầu với môn học không phải thế mạnh của mình cũng có đôi chút hoang mang. Nhưng nếu chúng ta chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức văn học từ thầy cô, mạnh dạn trao đổi những vấn đề mình chưa hiểu sẽ khiến bạn nhanh chóng nắm được các kiến thức trọng tâm và hiểu bài tốt hơn.
2.2. Đọc thông minh:
Hãy giữ cho bộ não của bạn tỉnh táo khi đọc. Cách tốt nhất để làm điều này là luôn tự hỏi bản thân một số câu hỏi nhất định trong suốt quá trình đọc văn bản. Hãy tạm dừng lại sau mỗi một hoặc hai trang sách để kiểm tra xem bạn có đang hiểu văn bản hay chưa. Ví dụ: Văn bản đang viết về vấn đề gì? Sự việc diễn ra ở đâu? Ai đang nói, và tôi biết gì về người nói?…
Hãy dành thật nhiều thời gian để đọc các tác phẩm trong chương trình cũng như các sách báo bổ trợ khác. Nó không chỉ giúp bạn hiểu rõ vấn đề mà còn làm phong phú thêm ngôn ngữ nói và viết của bạn.
2.3. Ghi chú, ghi chú và ghi chú:
Để đọc cẩn thận và hiệu quả ngay lần đầu tiên, hãy luôn có sẵn bút trong tay để bạn có thể ghi chú, đặt câu hỏi và đánh dấu những đoạn quan trọng.
Những thông tin quan trọng về cuốn sách hoặc một tác phẩm cần được ghi chú lại bao gồm:
– Tiêu đề và Tác giả: Điều này giúp bạn không bị nhầm lẫn những thông tin cơ bản.
– Thời gian và địa điểm: Việc nắm được thời gian và địa điểm giúp bạn hiểu bối cảnh văn hóa mà tác phẩm ra đời.
– Tên nhân vật: Hãy viết tên, một số mô tả ngắn gọn về các nhân vật chính giúp bạn biết rõ ai là ai, có vai trò gì trong tác phẩm.
– Cốt truyện: Viết tóm tắt lại cốt truyện hiểu rõ các điểm chính của cốt truyện. Điều này sẽ rất hữu ích khi bạn cần ôn tập trước mỗi kỳ thi mà không cần đọc lại toàn bộ tác phẩm.
– Thể loại: Xác định chính xác thể loại văn học bạn đang đọc càng cụ thể thì càng tốt.
Việc có được những phương pháp ghi chép thông minh sẽ giúp việc học văn hiệu quả hơn rất nhiều.
2.4. Tập trung nghe giảng và nắm chắc kiến thức
Việc tập trung vào bài giảng khiến bạn biết mình đã biết gì và những điểm quan trọng nào cần được nghe thầy cô giảng lại. Mạnh dạn phát biểu, nêu lên quan điểm, thậm chí là phản biện sẽ giúp bạn hiểu sâu và nhớ lâu các kiến thức trọng tâm.
2.5. Phân tích, không phải tóm tắt
Để học tốt môn văn, nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là trình bày, tóm tắt lại các tác phẩm đã được học mà phải có khả năng phân tích, cảm thụ, nêu các quan điểm cá nhân về tác phẩm, từ đó rút ra những bài học trong cuộc sống.
Phân tích có nghĩa là chia thành các phần nhỏ hơn và sau đó xem xét các phần đó hoạt động như thế nào, cả riêng lẻ và cùng nhau. Phân tích văn học liên quan đến việc xem xét tất cả các phần của một cuốn tiểu thuyết, vở kịch, truyện ngắn hoặc bài thơ—các yếu tố như nhân vật, bối cảnh, giọng điệu và hình ảnh—và suy nghĩ về cách tác giả sử dụng các yếu tố đó để tạo ra những hiệu ứng nhất định. (Tham khảo thêm bài viết: Làm thế nào để viết bài phân tích văn học).
Việc phân tích này sẽ là kỹ năng bạn học và luyện tập liên tục để có thể thành thạo. Trong quá trình thực hành, bạn có thể tạo ra một phương pháp phù hợp nhất với mình và một “giọng văn” của riêng bạn. Có bảy bước cơ bản để viết một bài luận văn học hấp dẫn bao gồm:
(1) Đặt câu hỏi: Dựa trên đề bài để xác định những vấn đề chính cần giải quyết.
(2) Thu thập dẫn chứng: Bao gồm các dẫn chứng, trích dẫn cả trong và ngoài tác phẩm.
(3) Xây dựng luận điểm: Vạch ra dàn ý, bao gồm các ý chính là các luận điểm cần được phân tích.
(4) Xây dựng và tổ chức các lập luận: Phát triển dàn ý, tổ chức các lập luận có tính khoa học và logic với nhau.
(5) Viết phần giới thiệu: Đây là phần khái quát, nêu nhận xét chung về tác phẩm.
(6) Viết đoạn thân bài: Bắt đầu đi vào nội dung từng phần, từng mặt, từng ý theo dàn ý đã vạch sẵn.
(7) Viết phần kết luận: Tổng hợp lại nội dung và nêu lên những nhận định của cá nhân.
3. HỌC TỐT MÔN VĂN ĐỂ CHUẨN BỊ CHO HÀNH TRÌNH TƯƠNG LAI
Ngoài các lợi ích đã được đề cập ở đầu bài viết, việc học tốt môn văn đồng thời giúp cho các bạn hình thành kỹ năng đọc, viết, trình bày vấn đề một cách khoa học và mạch lạc. Điều này không chỉ hỗ trợ tốt cho các môn học khác mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hành trình tương lai của mỗi người. Những bài luận đầy sáng tạo hay những bài thuyết trình xuất sắc chính là chìa khóa để bạn mở ra những cơ hội học tập hoặc những công việc lý tưởng mà mình theo đuổi.
Vậy còn chờ đợi gì mà không tìm hiểu thêm những cách học văn hiệu quả. Những phương pháp đúng sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian, đem lại những kết quả tốt trong mỗi kỳ thi quan trọng, và khiến bạn khám phá vẻ đẹp của từng môn học.
Tags: Học tốt môn văn, học văn hiệu quả