Sơ đồ KWL là một công thức tuyệt vời giúp con tự đọc
Khi chia sẻ về cách đọc sách cùng con, tôi thường nhận được những băn khoăn từ phía phụ huynh như: làm thế nào chị có thể biết được là con chị có đọc sách không, làm thế nào để biết con lĩnh hội được gì từ cuốn sách, làm thế nào để giúp con biết cách đọc hiệu quả, làm thế nào để việc đọc trở nên không nhàm chán… Rõ ràng là, ai cũng biết rằng đọc là một kĩ năng vô cùng quan trọng đối với việc học tập của trẻ, và lâu dài hơn là đối với sự phát triển tư duy, ngôn ngữ, cảm xúc của trẻ. Nhưng đọc như thế nào, làm thế nào để đọc sách cùng con vẫn là một câu hỏi làm đau đầu phụ huynh.
Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu cho các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo một công thức tuyệt vời giúp con tự đọc, được gọi là sơ đồ KWL.
Sơ đồ KWL được sáng tạo ra bởi Donna Ogle vào năm 1986 và ngày nay nó được áp dụng rất rộng rãi trong dạy học tích cực nói chung và hướng dẫn đọc hiểu nói riêng. Sơ đồ KWL cho phép kích hoạt tri thức nền, khuyến khích học sinh tự đặt ra những câu hỏi, làm gia tăng hứng thú, sự tò mò, đồng thời cho phép học sinh ghi lại những thông tin thú vị mà mình đã lĩnh hội được sau khi đọc cuốn sách. Việc đối sánh những điều đã biết, những điều muốn biết và những điều đã học được sau khi đọc sách và mô tả nó một cách trực quan, dưới dạng một sơ đồ cũng cho phép người đọc nhìn lại toàn bộ quá trình đọc của mình, dễ dàng nhận ra sự thay đổi về nhận thức của mình trước và sau khi đọc, hay nói cách khác, hình dung ra một cách cụ thể sự tiến bộ của bản thân.
Thông thường, trẻ có thói quen đọc sách mà bỏ qua giai đoạn trước khi đọc, sau khi đọc, chỉ tập trung duy nhất vào quá trình đọc. Thói quen này khiến cho trẻ không xác định được mục tiêu cho việc đọc, cũng không có thói quen suy nghĩ một cách tích cực trong khi đọc, không có kĩ năng ghi chép lại thông tin sau khi đọc. Khi sử dụng sơ đồ KWL, trẻ có thể trở thành một người đọc chủ động, tích cực nắm bắt thông tin thay vì tiếp thu mọi tri thức trong sách một cách thụ động, nhờ vậy mà trẻ có thể tập trung cao hơn, ghi nhớ tốt hơn. Đọc thông minh và tích cực để có thể lĩnh hội thông tin một cách hiệu quả nhất chính là một kĩ năng vô cùng quan trọng đối với toàn bộ việc học tập của trẻ, trong trường học cũng như ra ngoài cuộc sống sau này.
Sơ đồ KWL có cấu tạo gồm 3 cột: K (What I KNOW), W (What I WANT to know) và L (What I LEARNED). Sau đây là hướng dẫn sử dụng trước khi dùng:
Bước 1: trước khi đọc, hãy dành 5 phút để điền vào CỘT K tất cả những ý tưởng, thông tin, từ khóa liên quan tới chủ đề cuốn sách. Lúc này, hãy khuyến khích trẻ thả lỏng tư duy, kết nối chủ đề với tất cả những thông tin mà con đã biết trước đó. Ví dụ, nếu đọc cuốn sách Kì quan thế giới, con hãy nhớ lại tất cả những hiểu biết của con về kì quan thế giới, sau đó viết vào cột thứ nhất (CỘT K) các thông tin như: Kim tự tháp Ai Cập, vườn treo Babylon, Vạn lí trường thành…
Việc kích hoạt tri thức nền trước khi đọc giúp con tiếp thu thông tin mới một cách hiệu quả hơn, bởi vì mỗi thông tin mới trong cuốn sách mà con sẽ đọc sẽ tự liên kết với những thông tin đã biết, não bộ sẽ tự động sắp xếp chúng vào một hệ thống, nhờ thế mà con có thể ghi nhớ chúng tốt hơn. Mặt khác, việc liệt kê ra những từ khóa liên quan đến chủ đề cũng là cách để chuẩn bị về ngôn ngữ trước khi đọc.
BƯỚC 2: trước khi đọc, hãy dành 5 phút để điền vào CỘT W tất cả những điều mà con muốn biết, những băn khoăn, thắc mắc của con về chủ đề của cuốn sách. Hãy sử dụng các câu hỏi như WHAT (cái gì), WHO (ai), WHEN (khi nào), WHERE (ở đâu), WHY (tại sao), HOW (như thế nào) để đặt ra các câu hỏi, càng nhiều càng tốt. Việc để trẻ tự đặt ra các câu hỏi cực kì quan trọng, nó mở rộng khả năng sáng tạo, kích thích tư duy đột phá, không giới hạn, đồng thời kích hoạt trí tò mò của trẻ.
Theo các nhà giáo dục học, có 3 yếu tố quan trọng nhất để kích hoạt động lực học tập của trẻ đó là sự tò mò, sự lựa chọn và sự sáng tạo. Khi cả 3 yếu tố này được kích hoạt, khơi dậy, đứa trẻ sẽ có nhu cầu học tập một cách tự nhiên mà không cần tới bất cứ một sự thúc ép nào từ bên ngoài. Hoạt động này đã thỏa mãn nhu cầu đó, vì vậy nó là sự chuẩn bị cực kì tuyệt vời trước khi trẻ thực sự đọc cuốn sách.
BƯỚC 3: sau khi đọc xong, hãy dành 5 phút ghi lại một cách vắn tắt những điều con đã học được vào cột thứ 3, cột L (điều đã học). Con có thể ghi lại những thông tin mà con cảm thấy ấn tượng nhất, hấp dẫn nhất, nhớ nhất. Mỗi đứa trẻ sẽ học được những điều khác nhau, vì vậy hãy tôn trọng tối đa kết quả học tập đó của trẻ.
BƯỚC 4: Cùng trẻ xem lại sơ đồ KWL mà con đã tạo ra về cuốn sách. Hãy giúp trẻ tự so sánh 3 cột và rút ra nhận xét: hiểu biết của con trước khi đọc và sau khi đọc có thay đổi hay không? Thay đổi như thế nào? Những điều con muốn biết liệu có được giải đáp trong cuốn sách hay không? Nếu không con có thể tìm đọc thêm những cuốn sách khác để giải đáp băn khoăn của mình. Hãy gạch chân vào những câu hỏi mà con đã tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách và dùng bút màu tô vào những câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Bằng cách này, bạn có thể cho con nhận ra được một cách trực quan sự thay đổi của con trước và sau khi đọc, từ đó con dễ dàng nhận ra lơi ích của việc đọc, cũng như biến việc đọc trở thành một quá trình không ngừng tự học hỏi, tự khám phá tri thức.
Dưới đây là một số nguyên tắc để bố mẹ có thể đồng hành cùng con và giúp con thực hiện tốt nhất chiến thuật này:
- Trực quan hóa: Hãy cho phép con sử dụng màu sắc, hình ảnh để trang trí cho sơ đồ KWL thật sinh động, đẹp mắt, để mỗi sơ đồ không đơn thuần chỉ là một công cụ học tập mà là một tác phẩm nghệ thuật. Hãy tạo cho con một không gian để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật ấy (một chiếc bảng ghim, một góc tường ở nơi dễ quan sát nhất…)
- Tôn trọng: hãy cho phép con tự do brainstorm ra các thông tin, ý tưởng, các câu hỏi cũng như tự do ghi lại những thông tin mà con thấy hữu ích, không quan trọng đúng sai, nhiều ít.
- Ghi nhận: mỗi khi con hoàn thành một sơ đồ KWL, hãy ghi nhận thành quả ấy của con, có thể bằng rất nhiều hình thức, sao cho con cảm thấy tự hào và hạnh phúc nhất (một lời khen của mẹ, một cái ôm, một chuyến đi chơi, một phần thưởng nhỏ, một chữ kí của bố mẹ trên sơ đồ của con…)
Hành trình giúp con trở thành một người đọc hiệu quả, có chiến lược, có mục tiêu cụ thể, rõ ràng, biết cách sử dụng các thao tác tư duy, biết cách huy động kiến thức và ngôn ngữ trong quá trình đọc thực sự là một hành trình không đơn giản. Nhưng bằng sự kiên trì, thấu hiểu, khích lệ, chắc chắn bạn có thể trở thành một người đồng hành tin cậy và thông minh của con trên hành trình tự học và tự đọc đó.
[Chia sẻ từ Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh – sáng lập Dự án Phát triển Văn hóa đọc Sách ơi mở ra]