Chế độ dinh dưỡng hợp lý là nền tảng thiết yếu cho sự phát triển đồng bộ cả thể chất lẫn trí thông minh của trẻ. Để giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của dinh dưỡng với trẻ trong giai đoạn phát triển vàng này, bài viết sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về vai trò của dinh dưỡng và nguyên tắc xây dựng thực đơn, chế biến món ăn phù hợp cho trẻ. Mời ba mẹ tham khảo!
Vai trò của dinh dưỡng với trẻ
Đối với sự phát triển của trẻ, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp:
Phát triển thể chất, chiều cao, cân nặng
Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, khi mà tốc độ tăng trưởng về chiều cao và cân nặng của trẻ có những thay đổi đáng kể. Giai đoạn từ khi trẻ chào đời đến trước tuổi dậy thì là giai đoạn vàng để trẻ phát triển đều đặn, tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá mạnh mẽ ở giai đoạn dậy thì. Do đó, việc cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn 0-6 tuổi, là vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia, dinh dưỡng đóng góp đến 32% vào sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ, cao hơn hẳn so với các yếu tố khác như di truyền (23%), vận động thể lực (20%), môi trường, ánh sáng, thời gian ngủ nghỉ,… Ba mẹ cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong giai đoạn này để trẻ phát triển toàn diện và đạt được tiềm năng tối ưu.
Phát triển trí não của trẻ
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất từ trong bụng mẹ và giai đoạn đầu đời thường có chỉ số IQ cao hơn so với trẻ không được đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng. Thiếu hụt sắt có thể khiến trẻ gặp nguy cơ giảm nhận thức và tiếp thu chậm khi đến độ tuổi đi học. Ngược lại, trẻ em được nuôi dưỡng đầy đủ dinh dưỡng thường có khả năng vận động, giao tiếp và nhận thức tốt hơn.
Ngăn ngừa một số các bệnh lý
Dinh dưỡng giúp bảo vệ trẻ mầm non khỏi béo phì và suy dinh dưỡng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho từng giai đoạn phát triển, giúp trẻ tăng trưởng khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật và cải thiện năng suất hoạt động.
Các nguyên tắc xây dựng thực đơn đầy đủ dinh dưỡng cho bé
Tầm quan trọng của dinh dưỡng với trẻ không cần bàn đến quá nhiều. Vậy để xây dựng thực đơn với đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, ba mẹ cần lưu ý các nguyên tắc cơ bản nào?
Cung cấp đầy đủ lượng calo
Trẻ mầm non dành phần lớn thời gian học tập và vui chơi ở trường nên cần được cung cấp đủ lượng calo cho trẻ hoạt động. Nhu cầu calo cho trẻ mỗi ngày dao động từ 735 đến 882 kcal, chủ yếu được cung cấp từ hai nguồn chính: glucid (chất bột đường) và lipid (chất béo).
Glucid có nhiều trong các loại ngũ cốc và đường, còn lipid lại dồi dào trong dầu mỡ và các loại hạt có tinh dầu. Khi xây dựng thực đơn cho trẻ mầm non, cần lưu ý kết hợp cân bằng các loại thực phẩm giàu glucid và lipid để đảm bảo cung cấp đủ lượng calo cần thiết cho trẻ mỗi ngày.
Cân đối các chất Protein – Lipid – Glucid
Thực đơn đa dạng, phong phú các loại thức ăn
Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho bé mỗi ngày, ba mẹ hãy xây dựng thực đơn phong phú và kết hợp đa dạng các loại thực phẩm. Thay vì chế biến món ăn theo cách thông thường như luộc, nấu canh,… hãy biến tấu để tăng thêm sức hấp dẫn từ cùng một nguyên liệu. Đồng thời, kết hợp với các loại gia vị khác nhau để tạo nên hương vị thơm ngon, đậm đà phù hợp với khẩu vị của bé.
Thường xuyên thay đổi thực đơn, theo mùa
Lập thực đơn cho trẻ cần đảm bảo nguyên liệu phù hợp với khí hậu Việt Nam. Ngày hè nóng bức, trẻ cần bổ sung món mát, nhiều nước như nước ép, hoa quả, chè. Ngược lại, ngày đông lạnh nên ưu tiên món xào, hầm để trẻ dễ tiêu hóa.
Những thực phẩm trẻ nên và không nên ăn
Trẻ mầm non đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về cả thể chất lẫn trí tuệ. Ba mẹ cần lựa chọn thực phẩm kỹ càng và dõi thói quen ăn uống của trẻ. Dưới đây là một số lưu ý cho cha mẹ:
Thực phẩm nên cho trẻ ăn:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Cung cấp canxi và các vi chất thiết yếu cho bé. Nên cho trẻ uống 4 đơn vị sữa mỗi ngày (sữa nước, phô mai, sữa chua…).
- Rau củ quả, trái cây: Dồi dào vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Nên chế biến đa dạng thành canh, salad, sinh tố… để kích thích trẻ ăn.
- Chất béo có lợi: Tìm thấy trong dầu thực vật, bơ, phô mai, hỗ trợ phát triển trí não cho trẻ.
Thực phẩm cần hạn chế:
- Đồ ngọt, thực phẩm nhiều đường: Dễ khiến trẻ tăng cân và bị sâu răng.
- Đồ ăn nhanh, đồ chiên rán: Gây béo phì, thừa cân nếu lạm dụng.
- Thực phẩm cứng, rắn: Ảnh hưởng đến răng miệng của trẻ (bánh kẹo, hạt, quả cứng…).
Bài viết trên đã cung cấp cho ba mẹ những thông tin hữu ích về tầm quan trọng của dinh dưỡng với trẻ. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ba mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con, giúp con phát triển toàn diện nhất.