Lợi ích của việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ hẳn nhiều ba mẹ đã rõ. Tuy nhiên, nhiều bậc ba mẹ thường gặp khó khăn khi tìm cách kích thích sự hứng thú trong quá trình đọc sách với con. Bài viết này sẽ tổng hợp và giới thiệu các cách đọc sách cùng con một cách sáng tạo và hữu ích. Hãy cùng khám phá những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để quá trình đọc sách của con trở nên dễ dàng hơn nhé.
Lý do ba mẹ nên đọc sách cùng con
Theo Tiến sĩ Mike Turner, một chuyên gia có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, ba mẹ đóng vai trò then chốt trong việc khuyến khích và gieo mầm đam mê đọc sách cho trẻ. Tiến sĩ Jenny Radesky, một bác sĩ chuyên về sự phát triển trẻ em, cũng chia sẻ một quan điểm tương tự: “Việc cùng nhau đọc sách không chỉ là một hoạt động mà mọi gia đình yêu thích, mà còn là một trong những phương pháp giáo dục quan trọng nhất mà cha mẹ có thể thực hiện cùng con.”
Tuy nhiên, liệu trẻ em có thể đam mê đọc sách nếu không có sự hỗ trợ, đặc biệt là với những em mới bắt đầu tiếp xúc với việc đọc? Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc các chương trình giải trí trên điện thoại, máy tính, hoặc TV thường thu hút sự chú ý của trẻ hơn là sách vở. Vì vậy, việc ba mẹ dành thời gian đọc sách cùng con để thúc đẩy niềm đam mê và sự quan tâm của trẻ là điều rất quan trọng.
Bên cạnh đó, việc đọc sách với con cũng tạo ra một sự gắn kết đặc biệt giữa cha mẹ và con. Qua những câu chuyện, cha mẹ có thể truyền đạt giá trị và hình thành nhân cách, cũng như hướng dẫn con định hình tương lai của mình.
>>> Xem Thêm: Các phương pháp tạo thói quen đọc sách cho trẻ
Nên đọc sách cùng con khi nào?
Đọc sách cho con từ khi còn bé không bao giờ là quá sớm. Theo Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), việc này nên bắt đầu ngay từ giai đoạn thai nhi còn trong bụng mẹ.
Nhiều người cho rằng thai nhi hay trẻ sơ sinh chưa hiểu gì, nhưng quan điểm đó là sai lầm. Bộ não của thai nhi bắt đầu hình thành từ khoảng 5 – 6 tháng, khi đó, chúng có khả năng cảm nhận âm thanh ở xung quanh. Việc ba mẹ đọc sách cho thai nhi nghe là không vô nghĩa và sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của trẻ khi lớn lên. Ngay cả khi con chưa hiểu được những gì nghe được, những âm thanh này sẽ kích thích sự phát triển não bộ, đặt nền móng cho kỹ năng nghe của trẻ sau này.
Bí quyết đọc sách cùng con hiệu quả
Có một số cách hiệu quả để đọc sách với con mà ba mẹ có thể tham khảo:
- Thiết lập một thời gian cố định hàng ngày để đọc sách cùng con, ví dụ như 15 – 30 phút trước khi đi ngủ để con quen với hoạt động này.
- Tìm một không gian yên tĩnh để đọc cùng con, giúp cho con cảm thấy thoải mái và yên bình.
- Lựa chọn những cuốn sách phù hợp với độ tuổi và sở thích của con.
- Đặt con ngồi vào lòng hoặc bên cạnh, tạo cảm giác yêu thương và an toàn trong quá trình đọc sách.
- Dành một phút để giới thiệu về trang bìa và nội dung, tạo sự tò mò và hứng thú cho con.
- Đọc sách to, rõ ràng, nhấn nhá ngữ điệu và biểu cảm phù hợp với nội dung.
- Nếu con đã biết đọc, có thể để con tự đọc hoặc xen kẽ cùng đọc. Mẹ hoặc baa có thể đọc một câu, rồi đến lượt con đọc câu tiếp theo để tạo sự hấp dẫn và thú vị.
- Hỗ trợ con hiểu ý nghĩa của các từ mới và cách phát âm, hoặc giúp con ghép âm và vần từ mới.
- Đặt các câu hỏi thú vị để kích thích sự hứng thú trong con. Ví dụ: “Tại sao nhân vật lại làm vậy nhỉ?”, “Con nghĩ hình ảnh này giống cái gì?”.
- Đưa ra các thử thách để khuyến khích con áp dụng và phát triển khả năng tư duy. Ví dụ: “Con nhớ từ này đã xuất hiện ở đâu không?”, “Con kể mẹ nghe tại sao bạn thỏ lại chạy thua bạn rùa nhỉ?”
>>> Xem Thêm: Các phương pháp phát triển kỹ năng viết cho trẻ
Một số lời khuyên cho cha mẹ
Việc tạo thói quen đọc sách cho con không phải là điều dễ dàng. Eduforlife xin đưa ra một số gợi ý mà ba mẹ có thể áp dụng để khuyến khích thói quen đọc sách cho con:
- Ba mẹ hãy dành thời gian để cùng con tìm hiểu về một cuốn sách, đồng hành cùng con ngay từ những trang đầu tiên.
- Tổ chức các hoạt động thú vị từ nội dung sách sẽ giúp con cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn trong quá trình đọc. Đồng thời, cách này cũng giúp con hiểu nhanh và nhớ lâu hơn.
- Hỏi con về nội dung sách và dành lời khen ngợi để động viên con.
- Ba mẹ không nên tạo áp lực cho con về việc đọc sách vì sẽ khiến con chán nản, bài xích.
- Chọn sách phù hợp với độ tuổi, nhu cầu, sở thích và tư duy của con để con có trách nhiệm và hào hứng hơn.
- Dù cuộc sống có bận rộn thế nào, hãy dành ít thời gian mỗi ngày để đọc sách cho con. Coi việc này như một cơ hội vun đắp tình cảm, giúp ba mẹ và con gắn bó và hiểu nhau hơn.
Việc đọc sách cùng con không chỉ là một hoạt động thú vị mà còn là cơ hội tuyệt vời để xây dựng gắn kết gia đình và khơi gợi niềm đam mê với việc đọc sách từ khi còn nhỏ. Hy vọng rằng qua bài viết này, ba mẹ đã tìm thấy những gợi ý hữu ích và áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày.
>>> Xem Thêm: Khóa học đọc thông minh tại Eduforlife