Trong những ngày Quốc hội yêu cầu xét lại chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa đã được thông qua cũng tại Quốc hội năm 2014, tôi lại chợt nghĩ đến câu chuyện đẽo cày giữa đường. Chuyện cười đấy, hài hước đấy, nhưng mà đau lòng làm sao.
Tôi nhớ khoảng thời gian khi con trai lớn chuẩn bị thi vào cấp 3, kì thi có thể nói là cam go bậc nhất, nó kêu: “Mẹ biết không, con không thể học nổi môn Văn của mẹ. Con phải học đi học lại 5 lần bài thơ Bếp lửa. Con chán lắm”. Con thuộc thế hệ học sinh vẫn phải học theo chương trình và sách giáo khoa cũ.
Môn Văn của tôi đấy. Môn học mà lẽ ra phải trang bị cho học sinh khả năng cảm thụ văn học tinh tế, năng lực tưởng tượng và sáng tạo, khả năng diễn đạt một cách chân thực những suy nghĩ của mình. Thế mà trong suốt năm học lớp 9, con chỉ học đi học lại khoảng hơn chục tác phẩm trong sách giáo khoa để đi thi. Mà học ở đây có nghĩa là học thuộc lòng đề cương, văn mẫu để làm bài sao cho không sót ý nào.
Cách đây vài năm, khi đi tập huấn chuyên môn cho một địa phương, tôi nghe giáo viên than phiền: chúng em nào có được sáng tạo, phải dạy đúng như phân phối chương trình, bất kể năng lực học sinh tiếp thu nhanh hay chậm, nếu không sẽ bị nhắc nhở khiển trách. Vì đề thi cũng chỉ kiểm tra mấy tác phẩm trong sách giáo khoa, để đảm bảo các em có điểm cao và đồng đều, cách an toàn nhất vẫn là học thuộc lòng đề cương, văn mẫu.
Hệ quả của lối học hành thi cử này là sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh không biết gì hơn ngoài Chí Phèo, Vợ nhặt…, những tác phẩm quen thuộc trong sách giáo khoa, không có kĩ năng tự đọc hiểu, dù là một văn bản đơn giản, không có kĩ năng tự viết những gì mình thực sự nghĩ, mà chỉ biết cắm đầu sao chép. Văn, Sử, Địa được coi là các môn học thuộc lòng. Thi xong là quên luôn. Khi dạy Đại học, chúng tôi là người cảm nhận rõ hơn ai hết những bất cập của giáo dục phổ thông.
Chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông được quốc hội thông qua trong Nghị quyết 88 năm 2014 được coi là một bước ngoặt quan trọng để khắc phục sức ì cố hữu, giải phóng sức sáng tạo của giáo dục phổ thông. Chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa sách giáo khoa khiến cho sách giáo khoa không còn là một vòng kim cô trói buộc giáo viên và học sinh, bởi giáo viên có thể tự quyết định nhịp điệu học tập, mục tiêu bài học, tài liệu học tập phù hợp nhất với học sinh của mình. Chủ trương này cũng khuyến khích các nhà trường tự xây dựng kế hoạch giáo dục trường học (hay còn gọi là chương trình nhà trường) phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu của nhà trường, phù hợp với văn hóa địa phương cũng như học sinh. Việc được tham khảo cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa cũng buộc giáo viên phải nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện óc phân tích và phê phán, một trong những năng lực vô cùng cần thiết của con người trong thời đại mà AI đang phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc. Nếu thực hiện được một cách nhất quán, sâu sắc và có chất lượng chủ trương này, thì chắc chắn giáo dục sẽ có những bước đột phá.
Riêng với môn học Ngữ văn, công văn Số 3175 của Bộ giáo dục và Đào tạo nhằm hướng dẫn đổi mới việc dạy học và kiểm tra đánh giá là một bước tiến rất quan trọng. Yêu cầu đề kiểm tra đánh giá không được rơi vào những tác phẩm đã xuất hiện trong sách giáo khoa (bất cứ bộ sách giáo khoa nào) nếu được thực hiện một cách thực sự nghiêm cẩn và khoa học, sẽ xóa được tình trạng học vẹt, học thuộc lòng văn mẫu, và khuyến khích giáo viên thay đổi cách dạy, sao cho có thể phát triển được khả năng vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để nhằm giải quyết những tình huống mới. Cuộc sống đâu có gì biết trước, bởi vậy, kĩ năng quan trọng nhất của con người trong bất cứ xã hội nào là thích ứng một cách linh hoạt với cái mới.
Vậy là từ năm 2014 và đặc biệt là sau năm 2018, giáo dục phổ thông đã rất cố gắng từng bước gỡ cái vòng kim cô đã giam hãm khả năng sáng tạo của giáo viên và học sinh bấy lâu nay. Giáo viên được lựa chọn dạy những gì phù hợp nhất với học sinh của mình. Thi cử không bị trói buộc bởi sách giáo khoa. Hướng đi đó là rất đúng đắn và cần được bảo vệ. Trên thực tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn đã rất thẳng thắn bảo vệ chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, trước rất nhiều búa rìu của dư luận.
Những giáo viên có phẩm chất sáng tạo, vững vàng về kiến thức và tâm huyết với công việc thực sự rất hào hứng với chủ trương này. Thực chất, ở các trường chuyên, từ hai ba chục năm về trước, khi chúng tôi còn học ở trường phổ thông, các thầy cô đã không bị trói buộc bởi sách giáo khoa. Đề thi trong các kì thi học sinh giỏi đã không bao giờ chỉ quanh quẩn ở những tác phẩm trong sách giáo khoa. Chính vì vậy, chúng tôi được đọc rất rộng và được viết tự do những gì mình suy nghĩ. Những giáo viên tâm huyết và thực sự giỏi không chờ tới lúc Quốc hội hay Bộ Giáo dục hô hào đổi mới, họ đã sớm lựa chọn làm những gì tốt nhất cho học sinh của mình.
Chủ trương đổi mới giáo dục không có gì sai. Và bởi vậy, nếu thay đổi chủ trương này, thì không những đẽo cày giữa đường, chẳng bao giờ đi tới đích, thậm chí đi thụt lùi, lạc hậu với toàn bộ thời cuộc, mà còn gây lãng phí không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của cả xã hội suốt từ năm 2018 đến nay. Quay trở lại một chương trình và một sách giáo khoa, và yêu cầu Bộ Giáo dục xây dựng một bộ sách giáo khoa duy nhất và thống nhất, theo như đề nghị của Quốc hội, thì không những sẽ tiêu hủy toàn bộ những nỗ lực của cả ngành giáo dục trong nhiều năm vừa qua, mà còn khiến cho giáo dục lại tiếp tục luẩn quẩn trong cái vòng kim cô sách giáo khoa. Không thể nói đến chuyện sáng tạo hay khai phóng nếu giáo viên chỉ biết dạy những gì trong sách giáo khoa và học sinh không cần biết gì hơn ngoài sách giáo khoa.
Vướng mắc lớn nhất của đổi mới giáo dục nằm ở chỗ làm sao để đào tạo và tái đào tạo đội ngũ giáo viên để có thể thích ứng với chương trình, sách giáo khoa, cơ chế kiểm tra đánh giá mới, làm sao để thay đổi cách quản trị và vận hành hệ thống giáo dục sao cho có thể giải phóng sức sáng tạo của giáo viên. Là một người đào tạo giáo viên, tôi rất thấu hiểu những thiệt thòi và khó khăn của các thầy cô khi phải thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Vì vậy, việc của toàn bộ ngành giáo dục lúc này phải là hỗ trợ, tiếp sức cho giáo viên để họ có ĐỘNG LỰC và NĂNG LỰC để thích ứng với cái mới: tạo ra cơ chế đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc khuyến khích sự tương hỗ và sáng tạo, trang bị cho giáo viên những kiến thức họ đã bị thiếu như kiến thức về thần kinh học, tâm lý học, giáo dục học, kiến thức về chuyên môn…, thử nghiệm và cải tiến không ngừng cách kiểm tra đánh giá sao cho không những đo lường được một cách chính xác người học mà còn tạo động lực cho toàn bộ quá trình dạy và học… Còn rất nhiều trách nhiệm nặng nề và quan trọng mà ngành giáo dục phải làm, để việc đổi mới giáo dục được thực hiện tới nơi tới chốn, bởi vì đổi mới bao giờ cũng khó khăn, cũng động chạm, cũng vấp phải rất nhiều lực cản của cái cũ, của những quan điểm lạc hậu. Đổi mới giáo dục không phải chỉ là đổi mới sách giáo khoa, mà là thay đổi một cách hệ thống tất cả các yếu tố và các quá trình, các bên liên quan từ giáo viên, học sinh đến nhà quản lý, phụ huynh… Cái mới không thể thành hình ngay lập tức, mà cần có một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, cải tiến, hoàn thiện, và bởi vậy không thể có kết quả trong một sớm một chiều.
Hãy để chúng tôi, những người làm giáo dục, yên tâm đi hết con đường của mình mà không trở thành nhân vật chính trong câu chuyện bi hài kịch đẽo cày giữa đường.
(Chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh
Giảng viên khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Hà Nội)