– Đã có ai nói với con là con rất có năng khiếu viết văn chưa?
– Chưa ạ. Con còn học dốt nữa là khác. Điểm văn của con từ bé đến giờ cao nhất là 6.
Tôi rất ngạc nhiên, rõ ràng là, đọc bài viết của em, tuy chữ nghĩa thì xấu xí, diễn đạt đôi chỗ còn ngô nghê, trình bày chưa được mạch lạc, nhưng mà ý tưởng và lời lẽ thì bay bổng, dạt dào, có một cái gì đó rất riêng biệt.
Một cậu bé khác bị cả bố mẹ, thầy cô và bạn bè cho rằng bị tự kỉ. Em rất khó giao tiếp với người khác và khó có thể kiểm soát cảm xúc của mình. Nhưng mà, tình cờ khi tôi cho cả lớp đọc 1 cuốn sách về khoa học, thì trời ơi, em như biến thành 1 con người khác. Em có khả năng ghi nhớ một cách chính xác, tỉ mỉ từng chi tiết, số liệu, và có hiểu biết vô cùng phong phú về thiên văn, sinh học, vật lý, có thể nói mãi về những chủ đề đó một cách vô cùng hào hứng, tự tin, khác hẳn con người hàng ngày của em. Tôi nói với mẹ của em: con chị không bị tự kỉ mà có thể là một tài năng về khoa học. Mẹ em không tin và cứ tìm mọi cách chứng minh rằng em đã bị kết luận là tự kỉ từ năm 4 tuổi, và từ đó gia đình gần như bất lực trong việc can thiệp, giờ chỉ mong con có thể học hết được phổ thông.
Khi làm việc với rất nhiều trẻ em, tôi nhận ra một thực tế đáng buồn là rất nhiều tiềm năng của các em đã không được phát hiện và vì thế bị thui chột. Phần lớn các em đã lên tới lớp 9, lớp 10 mà vẫn chưa biết mình thực sự thích và mơ ước điều gì, nên làm việc gì và trở thành con người như thế nào trong tương lai. Những học sinh chưa biết mình là ai đó thường học một cách thụ động và sống dựa vào người khác, không bao giờ tỏ ra hứng thú với bất cứ một hoạt động gì và vì thế thường chẳng xuất sắc ở cái gì hết. Những đứa trẻ sớm nhận ra mình thích gì, sớm tìm thấy ước mơ của mình thì có thể chưa học giỏi, nhưng lại có khả năng tự học rất tốt, luôn say mê tìm tòi và vì thế thường bộc lộ rõ năng khiếu sở trường của mình. Và khi được phát hiện, dìu dắt bởi những người thầy thật sự giỏi và có tâm, các em bật lên rất nhanh, như mầm cây khỏe mạnh gặp được mảnh đất màu mỡ.
Rất nhiều phụ huynh cho rằng, cứ tìm cho con lò thật giỏi, thầy thật giỏi, luyện thật nhiều như đứa hàng xóm, là con mình sẽ thành tài. Không ít bố mẹ thấy thành tích con nhà người ta, liền rắp tâm học hỏi qui trình sản xuất thiên tài đó, rồi mang về áp dụng cho con mình, nhưng áp dụng mãi mà kết quả vẫn không như mong đợi. Nhiều bố mẹ cho rằng mình có tầm nhìn, ngay từ khi con còn nhỏ đã hoạch định cuộc đời con, sau này sẽ phải thi trường nọ đỗ trường kia, hoặc cho rằng nghề này sau 5,10 năm nữa sẽ hot, và tìm mọi cách định hướng con theo nghề đó, nhưng nghịch lý là, dù bị nhồi nhét thế nào, đứa trẻ vẫn cứ làng nhàng.
Là giáo viên, tôi hiểu rất rõ mỗi đứa trẻ có một thiên hướng cũng như những giới hạn bẩm sinh, và nó chỉ có thể học tốt nhất ở lĩnh vực sở trường của nó. Một khi con đã không có năng khiếu bẩm sinh, rất khó có thể giúp con đạt tới kết quả xuất sắc. Trong 1 lớp học, nhiều em tiến bộ rất nhanh sau 1 thời gian ngắn, nhưng có những em rất ì ạch, hoặc đến một ngưỡng nào đó là dừng lại, không tiến bộ thêm được chút nào. Nhiều phụ huynh thấy con tiến bộ nhanh, cho rằng đó là nhờ giáo viên, nhưng tôi thường nói với bố mẹ của các em rằng, đó phần lớn là do các em có năng khiếu sẵn, chỉ có điều trước nay chưa ai phát hiện ra, người giáo viên quèn như tôi chẳng qua ăn may tác động đúng thời điểm, đúng sở trường của em mà thôi. Nhưng không phải ai cũng tin điều này.
Khi vàng còn nằm lẫn trong cát, trong núi đá, nó chưa đẹp đẽ, chưa quí giá. Nó nằm khuất giữa những thứ tạp chất khiến cho ít ai nhận thấy. Muốn luyện thành vàng, người thợ phải đào thật sâu vào trong các lớp đất cát, phát hiện ra những hạt bụi lấp lánh rồi sàng rồi lọc, qua bao nhiêu công đoạn chế tác, mới thành được vàng. Bố mẹ thông minh hay giáo viên giỏi, thực ra chỉ là người phát hiện, sàng lọc, mài giũa cho cái thứ vàng ngọc còn lẫn trong tạp chất đó, ngày một trong hơn, đẹp hơn mà thôi. Nếu trong quặng đã không có vàng, thì ta không thể luyện nó thành vàng. Nếu trong quặng có đá quí, thì chỉ có thể gọt giũa thành đá quí, chứ không thể biến quặng đá quí đó thành vàng được. Mỗi đứa trẻ đều là một mỏ quặng, nhìn bề ngoài thì sù sì, thô ráp, bị che khuất bởi đất đá, nhiệm vụ của người làm giáo dục là tìm ra thứ quí giá bên trong thực sự là gì.
Tôi cho rằng, toàn bộ công việc giáo dục không phải là tạo nên một con người khác, theo kì vọng chủ quan của bố mẹ, thầy cô, mà là giúp đứa trẻ tìm thấy chính bản thân mình, giúp đứa trẻ biết mình là ai, mình thực sự mơ ước điều gì, mình muốn trở thành người như thế nào, đâu là sở trường sở đoản của mình, con đường mình nên đi tiếp theo là gì. Chỉ khi đứa trẻ biết mình là ai, được sống là chính mình, chúng mới có thể thành công và cảm thấy tự tin, hạnh phúc, chủ động trong cuộc sống.
Dưới đây là một số gợi ý giúp giáo viên và phụ huynh có thể nhận biết về những thiên hướng sở trường của trẻ:
- Cho con gặp gỡ nhiều người thuộc nhiều nghề nghiệp khác nhau, càng giỏi càng tốt, tốt nhất là để con quan sát họ trong lúc họ đang làm việc: một bác sĩ đang chữa bệnh trong phòng khám, một nhà khoa học đang làm việc trong phòng thí nghiệm, một nhân viên bán hàng, một anh lái xe… Bố mẹ có thể trò chuyện để cho con hiểu thêm về công việc của họ, những phẩm chất mà họ có, giá trị và những đóng góp mà họ tạo ra cho xã hội. Bạn nên cho con thấy mỗi nghề nghiệp đều rất đáng quí, không có nghề nghiệp nào cao cấp hơn nghề nghiệp nào, điều quan trọng là người ta luôn nỗ lực để làm tốt công việc của mình. Công việc nào hấp dẫn đứa trẻ nhất có thể sẽ là nghề nghiệp mà chúng nên theo đuổi trong tương lai.
2. Cho con tiếp xúc với sách vở thuộc nhiều thể loại và quan sát xem con thích đọc loại sách gì nhất. Những đứa trẻ tò mò, ham hiểu biết, có tư duy logic tốt sẽ thường thích sách khoa học. Những đứa trẻ có năng khiếu về ngôn ngữ, giàu cảm xúc, giàu tưởng tượng sẽ thích sách văn học. Những đứa trẻ có khả năng về hội họa sẽ quan tâm tới những cuốn sách tranh, có hình ảnh đẹp… Việc đọc sách sẽ mở ra cho đứa trẻ một cuộc sống rộng lớn, rộng hơn nhiều so với thế giới mà chúng có thể được trực tiếp trải nghiệm, và trao cho trẻ cơ hội được tìm thấy điều mà mình quan tâm, muốn theo đuổi, đồng thời khơi dậy sự tò mò, hứng thú bẩm sinh bên trong mỗi đứa trẻ, khơi dậy ước mơ và ham hiểu biết của chúng. Đó thực sự là một trong những phương tiện vô cùng hữu ích để giúp đứa trẻ tìm thấy chính mình.
3. Quan sát con khi vui chơi: khi vui chơi, đứa trẻ được tự do bộc lộ thiên hướng và sở trường, tính cách của mình. Đứa có năng khiếu lãnh đạo sẽ luôn là người chủ trò, khởi xướng ra các trò chơi và thiết lập luật chơi, điều khiển các bạn khác. Những trò chơi mà đứa trẻ thích và chơi giỏi hơn những đứa khác sẽ chính là mặt sở trường của chúng. Đứa có tư duy logic và thông minh về không gian sẽ thích chơi các trò lego, lắp ghép. Đứa có năng khiếu vận động sẽ thích những trò chơi vận động. Đứa giỏi giao tiếp sẽ chơi những trò tương tác…
-
- Tìm cho con một thần tượng: khi nhận ra trẻ say mê điều gì, hãy để cho con có cơ hội được tìm hiểu về một nhân vật cực kì xuất sắc trong lĩnh vực đó. Trẻ con thích bắt chước, vẻ đẹp của các thần tượng sẽ hấp dẫn chúng, kích thích những nội lực bên trong chúng, và khiến chúng có khát vọng muốn trở thành một người như thần tượng.
- Bình tĩnh trước những mặt “thái quá” của con: trẻ con luôn luôn thái quá, đứa thì năng động quá, đứa thì nói nhiều quá, đứa thì nói ít quá, đứa thì giàu tưởng tượng quá…, và những điểm thái quá này thường gây phiền hà cho các bố mẹ hoặc thầy cô. Tuy nhiên, điều thú vị là chính những điểm thái quá đó lại là dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm thiên hướng và tài năng. Đứa nghịch ngợm, năng động có thể là một vận động viên thiên tài, đứa hay nói chuyện trong lớp có thể trở thành một diễn giả thành công trong tương lai, đứa nhút nhát và yếu đuối có thể trở thành một chuyên gia tâm lí. Cho nên, các bố mẹ nên lấy làm vui với những khuyết điểm đó của con mình và tìm cách động viên, ghi nhận thay vì phê bình và trách phạt.
Khi bạn nhận ra một thứ vàng ngọc lấp lánh còn đang vùi dưới lớp đất đá còn thô sơ, hãy kiên nhẫn định hướng, hỗ trợ và đồng hành cùng con. Thay vì cố tình gò ép, hãy cho phép con được tiếp xúc với những môi trường phù hợp và chính bố mẹ cũng nên lùi lại, trở thành môi trường khích lệ và nâng đỡ. Đứa trẻ cần có thời gian để khám phá bản thân mình, cũng cần có thời gian để hoàn thiện năng lực. Chúng dứt khoát không thể ngay lập tức trở thành thiên tài, hoặc không nhất thiết phải thành công. Nhưng chính cái hành trình tìm kiếm, thử và sai, vấp ngã và thất bại khi vươn tới ước mơ đó mới là thứ vô cùng đáng giá. Nó sẽ nuôi dưỡng niềm say mê và yêu sống, động lực bên trong của việc học. Và đó mới là cái thực sự có ý nghĩa đối với bất kì ai trong cuộc sống này.
(TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh)