Ngày 30/4/2019, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh trình bày báo cáo tại Tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng 19/4. Đây là hoạt động nhằm tìm ra những giải pháp, kiến nghị với UBND TP. HCM chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Tọa đàm có sự chủ trì của ông Từ Lương – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và ông Đỗ Văn Dũng – Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.
Ban chủ trì tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” tại TP. HCM vào sáng 19/4
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng xây dựng thói quen đọc ngay từ khi còn nhỏ là điểm then chốt nhất để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Bà phân tích cơ chế thói quen đọc từ góc độ tâm lý học và nhấn mạnh ba yếu tố quan trọng nhất tạo nên vòng lặp thói quen đọc: môi trường đầy ắp sự gợi ý, sự hướng dẫn của người lớn và những phần thưởng tạo động lực bên trong cho việc đọc. Chỉ khi hiểu rõ cơ chế của thói quen đọc, các phụ huynh, những người làm giáo dục, thư viện mới có thể nuôi dưỡng những người đọc tí hon trong gia đình và nhà trường.
Các phát biểu khác tại tọa đàm cũng đem lại những thông tin hữu ích cho người tham dự. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khẳng định: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi suốt ngày chỉ cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả ‘khám phá kho báu tri thức’ hay ‘nâng cao văn hóa đọc’ giống như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tin vào giá trị của việc xây dựng thói quen nghe kể chuyện và đọc ngay từ trong gia đình.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tin vào giá trị của việc xây dựng thói quen nghe kể chuyện và đọc ngay từ trong gia đình
Nhà báo Lê Nam, người đang định cư tại Singapore cùng gia đình, chia sẻ kinh nghiệm từ việc khuyến đọc ở trường tiểu học Farrer Park của con trai anh, cậu bé Nguyễn Tri Hà Quang, tại Singapore.
Cụ thể, mỗi học kỳ, các học sinh buộc phải hoàn tất reading log (bảng thông tin sách đã đọc) gồm tối đa 25 cuốn. Điều bắt buộc là trong cặp học sinh luôn có ít nhất một cuốn sách để đọc khi rảnh ở trường.
“Mỗi sáng, trước khi chào cờ, học sinh ngồi ở hành lang mở sách đọc”, anh Nam mô tả, “Hình ảnh học sinh tay cầm cuốn sách nhỏ không hiếm thấy trong sân trường. Học sinh đọc sách và yêu thích nhân vật nào đó sẽ được thầy cô, phụ huynh hỗ trợ hóa trang thành nhân vật đó và tham gia sự kiện Character Day của lớp và trường”.
Nhà báo Lê Nam chia sẻ kinh nghiệm đọc sách của con trai đang học tiểu học ở Singapore.
Nhà báo Lê Nam chia sẻ kinh nghiệm đọc sách của con trai đang học tiểu học ở Singapore
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất bản kêu gọi các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại bên cạnh những thành tựu đạt được. Vấn đề chính sách và sự chung tay của Bộ Giáo dục Đào tạo cũng được đặt ra.
Tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các phụ huynh cũng như những người làm giáo dục và thư viện trên toàn quốc.