Việc tìm kiếm phương pháp dạy con hiệu quả là vấn đề muôn thuở trong các gia đình. Đặc biệt là những ông bố bà mẹ trẻ mới lần đầu làm ba mẹ. Vậy làm thế nào để nuôi con khoa học, đúng cách? Eduforlife sẽ gợi ý cho bạn những phương pháp nuôi con khỏe, dạy con khôn trong bài viết dưới đây. Cùng khám phá nhé!
Nuôi dạy con để làm gì?
Làm cha mẹ có lẽ là một trong những điều tuyệt vời nhất trong đời. Hằng ngày, ba mẹ được chứng kiến hành trình con từng bước trưởng thành, lớn lên – càng hạnh phúc biết bao khi con thông minh, nhanh nhẹn.
Ba mẹ nào cũng muốn chăm con với điều kiện tốt nhất có thể, mong muốn con phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Bên cạnh việc xây dựng cho con một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ba mẹ cũng cần có một phương pháp nuôi dạy con đúng cách để con phát triển tốt ở bất kỳ giai đoạn nào.
Con trẻ cần gì từ bố mẹ
Ở từng giai đoạn phát triển của trẻ, ba mẹ cần hiểu rõ những nguyện vọng, nhu cầu cụ thể của con để áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp. Tuy nhiên, có những yêu cầu chung mà con dù ở bất cứ độ tuổi nào cũng mong muốn nhận được:
- Tình yêu thương và quan tâm từ phía bố mẹ: Sự quan tâm và hỗ trợ của ba mẹ tạo nên một nền tảng an toàn cho con khám phá thế giới xung quanh. Cách chăm sóc và yêu thương trong những năm đầu đời đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển về cả thể chất lẫn tâm lý của trẻ sau này. Bố mẹ cần dành thời gian quan tâm con, giúp con học hỏi từ môi trường xung quanh.
- Hỗ trợ và ở bên cạnh khi cần: Việc luôn ở bên cạnh và hỗ trợ khi con trải qua mọi cung bậc cảm xúc buồn vui giúp củng cố mối quan hệ giữa ba mẹ và con. Con trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi biết rằng luôn có người ở bên cạnh. Sự hỗ trợ này cũng là động lực để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.
- Đáp ứng nhu cầu cơ bản, nhưng không chiều chuộng: Bố mẹ cần hiểu và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con, nhưng cần đáp ứng cân đối và có kiểm soát. Việc quá chiều chuộng có thể khiến con trở nên ích kỷ.
Ba mẹ có nên để trẻ phát triển tự nhiên?
Việc chăm sóc và giáo dục con không chỉ dừng lại ở việc theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ. Mục tiêu quan trọng hơn cả là giúp con phát triển tối đa, khai thác hết tiềm năng.
Ngày nay, quan điểm “để trẻ phát triển tự nhiên” ngày càng trở nên phổ biến. Mọi người quan niệm rằng, trẻ khi không bị gò bó sẽ có nhiều hứng thú học tập hơn, trẻ cũng trở nên sáng tạo, năng động. Vậy ba mẹ có thực sự nên để trẻ tự nhiên phát triển?
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, hệ thần kinh của trẻ đã bắt đầu hình thành từ giai đoạn thụ thai. Từ tuần thứ 8 của thai kỳ, hệ thần kinh này trở nên mạnh mẽ hơn. Khi mới sinh, trọng lượng não của trẻ sơ sinh đã đạt tới một nửa trọng lượng não người lớn. Con số này tăng lên 70 – 75% khi trẻ 1 tuổi và đạt 80% khi trẻ 2 tuổi. Khi đến 6 tuổi, trẻ đã phát triển não đạt đến 100% trọng lượng của người lớn. Những thông tin này chứng minh rằng giai đoạn từ 0 – 6 tuổi là “thời kỳ vàng” trong quá trình phát triển trí não. Vì thế, việc đầu tư vào phát triển tiềm năng của trẻ từ giai đoạn này là rất quan trọng.
Các phương pháp nuôi dạy con thông minh đúng cách, đúng khoa học
Có một số phương pháp nuôi dạy con thông minh và khoa học mà cha mẹ có thể áp dụng:
Dạy con theo kiểu Nhật
Hẳn bạn đã nghe nhiều đến “lối sống chuẩn Nhật” – một minh chứng cho lối sống, phương pháp sống nổi tiếng của hiệu quả của đất nước này. Bắt đầu từ khi đi học mẫu giáo, trẻ em Nhật Bản đã được dạy cách đối nhân xử thế, cùng các chuẩn mực đạo đức và văn hóa. Thay vì tập trung vào tri thức, người Nhật chú trọng vào nuôi dạy phẩm chất đạo đức cho trẻ đầu tiên. Theo họ, đứa trẻ có thể không cần quá thông minh nhưng phải có một phẩm chất thật tốt.
Phương pháp nuôi dạy con của người Do thái
Người Do Thái được mệnh danh là một trong những dân tộc thông minh nhất thế giới. Điều này được gìn giữ qua hàng trăm năm qua một cách bền vững, và phần lớn là nhờ vào sự giáo dục từ nhỏ.
Bên cạnh việc rèn luyện trí thông minh IQ, người Do Thái còn đặt ra hai chỉ số thông minh khác là AQ (chỉ số vượt khó) và EQ (thông minh cảm xúc) để rèn luyện cho con cái. Theo họ, thông minh chỉ chiếm một phần rất nhỏ, trẻ biết kiểm soát cảm xúc và có khả năng vượt trên mọi hoàn cảnh mới có thể trưởng thành và độc lập được.
Người Do Thái cũng rất coi trọng việc giáo dục cho trẻ. Họ cho trẻ đọc chữ từ sớm, cố gắng để con được đi học và đọc sách đều đặn. Sự hiểu biết của người Do Thái không chỉ dừng lại ở những kiến thức từ trường học, sách vở mà họ luôn nỗ lực để áp dụng điều học được vào thực tế cuộc sống. Họ luôn học hỏi không ngừng nghỉ, kể cả những đứa trẻ khi bắt đầu đi học cũng đã tạo thói quen học thuộc những cuốn sách dày cộp.
Dạy con theo phương pháp Montessori
Phương pháp Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ em dựa trên việc học thông qua cảm giác và sự trải nghiệm. Phương pháp này được sáng lập bởi Maria Montessori, một nhà giáo dục người Ý. Chương trình giảng dạy của Montessori tập trung vào các bé từ 3-6 tuổi, độ tuổi mà trẻ có khả năng học hỏi và phát triển nhanh chóng. Chương trình được thiết kế nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Phương pháp Montessori lấy trẻ làm trung tâm, nhấn mạnh đến tính tự lập và phát triển toàn diện của trẻ. Chương trình học được thiết kế dựa trên khả năng và nhu cầu của từng trẻ, tạo môi trường học tập thân thiện, cởi mở, khuyến khích trẻ tự khám phá và trải nghiệm. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ trẻ khi cần thiết.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp Montessori là giúp trẻ phát triển tính tự lập. Các hoạt động Montessori giúp trẻ học cách tự chăm sóc bản thân, tự dọn dẹp, tự làm việc nhà, thậm chí có thể giúp đỡ gia đình. Thông qua những bài học ấy, trẻ cũng gia tăng khả năng ghi nhớ, mong muốn học hỏi và thúc đẩy sự sáng tạo.
Phương pháp Easy
EASY là viết tắt của bốn hoạt động: Ăn (Eat) – Hoạt động (Activity) – Ngủ (Sleep) – Thời gian của mẹ (Your time). Đây là một khái niệm về việc tạo chu kỳ sinh hoạt dành cho bé sơ sinh. Chu kỳ này bắt đầu từ sáng khi trẻ thức dậy và kết thúc vào tối khi trẻ đi ngủ.
Phương pháp EASY được sinh ra nhằm rèn luyện nếp sinh hoạt cho bé ngay từ khi con còn rất nhỏ. Nuôi con bằng EASY sẽ giúp bé hình thành một nếp sống khoa học, tốt cho sức khỏe lại giúp mẹ có thời gian riêng, không phải quanh quẩn xung quanh bé cả ngày.
Trẻ sẽ hình thành thói quen khi tỉnh dậy sẽ được ăn, ăn xong sẽ được chơi và khi mệt sẽ được đi ngủ. Người mẹ cũng hiểu những tín hiệu của bé tốt hơn, ví dụ như khi bé khóc không phải vì bé muốn ăn nữa mà bé muốn được chơi. Đây được cho là nền tảng cơ bản nhất để bé xây dựng lòng tin giữa mẹ và bé.
Phương pháp Glenn Doman
Phương pháp Glenn Doman là phương pháp giáo dục sớm bằng flashcard, áp dụng cho trẻ sơ sinh đến 6 tuổi, được thực hiện tại nhà. Cha mẹ sử dụng bộ thẻ flashcard để dạy học cho con.
Ý tưởng dạy con bằng flashcard dựa trên khả năng học tập của trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi có khả năng ghi nhớ thông tin bằng hình ảnh chỉ với tốc độ 1 hình/giây, nhưng lại rất chính xác. Đây là khả năng chụp nguyên mảng của não phải. Tận dụng khả năng đó, các nhà khoa học khuyến khích cha mẹ nên cho con học và làm quen với thế giới qua hình ảnh, sử dụng flashcard làm phương tiện học tập rất hiệu quả.
Ba mẹ dạy con đọc bằng cách cho con xem các thẻ, tráo lên, cho con ghi nhớ bằng hình ảnh và kiểm tra hàng ngày. Đây là phương pháp học mà chơi, chơi mà học, giúp con vừa hứng thú vừa tiếp thu tốt. Thông qua các bộ thẻ gồm con số, chữ cái, hình ảnh xung quanh, con sẽ tăng khả năng ghi nhớ, tư duy, phát triển não bộ ngay từ nhỏ.
Một số nguyên tắc khi nuôi dạy con đúng cách
Để nuôi dạy con đúng cách, có một số nguyên tắc quan trọng mà ba mẹ nên tuân theo:
Tự tin vào chính mình
Người khác đóng góp ý kiến về cách nuôi dạy con của bạn là điều bình thường. Vì họ có trải nghiệm dạy con khác nên sẽ góp ý khi thấy các dạy con của bạn khác họ. Tuy nhiên, ba mẹ không nên quá bận tâm đến những ý kiến này, bởi mỗi đứa trẻ có một cá tính khác nhau. Thay vào đó, ba mẹ nên tìm hiểu con mình kỹ hơn để tìm ra cách nuôi dạy phù hợp nhất.
Luôn rút kinh nghiệm
Dạy trẻ là cả một hành trình dài và đầy thử thách. Trong quá trình đó, ba mẹ có thể mắc một vài sai lầm. Đừng vội thất vọng, hãy rút kinh nghiệm để có phương pháp giáo dục phù hợp nhất với con.
Lựa chọn phương pháp phù hợp với con thay vì ép buộc
Trẻ em mỗi người một tính cách, một sở thích khác nhau. Có bé thích chơi bóng đá, có bé thích chơi cầu lông, có bé thích chơi piano,… Điều quan trọng là bố mẹ cần tôn trọng sở thích của trẻ. Nếu trẻ không thích chơi bóng đá, bố mẹ không nên ép buộc trẻ phải chơi. Thay vào đó, bố mẹ hãy cùng trẻ tìm những trò chơi vận động khác mà trẻ yêu thích. Điều này sẽ giúp trẻ trở nên vui vẻ và thoải mái hơn.
Ngoài ra, việc tìm hiểu sở thích của trẻ cũng giúp bố mẹ dễ dàng tìm ra điểm mạnh của con mình. Nếu trẻ có năng khiếu về một lĩnh vực nào đó, bố mẹ có thể định hướng và phát triển cho trẻ.
Không bắt ép mà hãy khuyến khích
Đừng quá ép trẻ làm điều mà chúng không thích vì việc đó có thể phản tác dụng, khiến trẻ phản kháng lại. Bố mẹ nên hiểu rõ tính cách của trẻ để có cách ứng xử phù hợp. Ví dụ, khi dạy con sắp xếp quần áo, bố mẹ có thể cùng con chơi trò chơi xếp quần áo. Hãy để con tự do lựa chọn bộ quần áo mà mình thích và tự tay sắp xếp chúng. Điều này sẽ giúp con cảm thấy hứng thú và chủ động hơn.
Mạnh mẽ và quyết đoán
Khi trẻ khóc do bị phạt, nhiều mẹ dễ bị mềm lòng. Ông bà của trẻ cũng xót ruột, thường can thiệp nên ba mẹ dễ bị lay động. Không nên để tình huống đó xảy ra quá thường xuyên, sẽ khiến trẻ có thói quen xấu là mỗi lần làm sai sẽ có người đứng ra nói giúp. Ba mẹ cần tìm cách giải thích cho trẻ và ông bà hiểu để không bị lay động. Từ đó, có được phương pháp dạy con hợp lý, khoa học nhất.
Trên đây là những phương pháp nuôi dạy con đúng cách mà Eduforlife muốn chia sẻ với bạn. Hãy áp dụng những phương pháp này để hành trình nuôi dạy con dễ dàng hơn nhé!