Nếu bạn có 2 thằng con trai và chúng chỉ nằm yên khi đã lên giường ngủ, tắt điện tối om và chui tọt trong chăn ấm áp, bạn làm gì để có thể giúp cho chúng chú ý tới việc mở rộng vốn từ, luyện khả năng phản xạ và giao tiếp, phát triển trí tưởng tượng, những thứ cần được hình thành trong tĩnh lặng?
Nếu như ban ngày bọn chúng ngọ ngoạy và phá phách không yên, thì buổi tối trước giờ đi ngủ là thời điểm lý tưởng để giúp trẻ tập trung vào ngôn ngữ. Điện đã tắt, không gian thu hẹp lại và không có bất cứ cái gì làm phân tán sự chú ý của chúng, đó là lúc mà mọi năng lượng của cơ thể sẽ tập trung vào việc suy nghĩ của cái đầu và đối đáp của cái miệng. Vì thế, hãy dành nửa tiếng trước giờ đi ngủ để thực hiện một số trò chơi sau đây. Điều đặc biệt là những trò chơi này không cần bất cứ một dụng cụ nào (chỉ cần mỗi cái mồm và một số ngón tay), có thể chơi ngay cả trong bóng tối.
-
- BẤT THÌNH LÌNH
Đây là trò chơi thú vị giúp phát triển kĩ năng kể chuyện, khả năng tưởng tượng và phản xạ ngôn ngữ. Đúng như tên gọi của nó, trò chơi BẤT THÌNH LÌNH hấp dẫn bởi sự bất ngờ, vui vẻ mà nó mang lại.
Luật chơi như sau: cả nhà sẽ cùng kể một câu chuyện. Đầu tiên, bạn có thể bịa ra một đoạn mở đầu, sau đó kết thúc đoạn kể của mình bằng từ bất thình lình và yêu cầu bọn trẻ con kể tiếp. Khi đến phiên mỗi người, cần phải bắt đầu và kết thúc bằng từ bất thình lình rồi dừng lại, nhường cho phe đối phương kể tiếp. Nếu đếm từ 1 đến 10 mà đối phương vẫn chưa có phương án để kể tiếp câu chuyện thì sẽ bị thua. Cả nhà có thể qui định là sẽ kể tối đa là 10 lượt.
Ví dụ:
Mẹ: Ngày xửa ngày xưa, ở một nhà nọ, có một thằng bé tên là Đỗ Đen. Một hôm nó đạp xe ra công viên và bất thình lình.
Đỗ Đen: Bất thình lình, nó nhìn thấy một hàng kem ngon ơi là ngon, thế là nó mang hết tiền ra mua được 100 cái kem và bất thình lình.
Đỗ Tương: Bất thình lình có một bọn cướp bịt mặt và cầm súng tới cướp hết 99 cái kem, chỉ còn để lại cho thằng Hải Nam một cái kem đang mút dở và bất thình lình…
Câu chuyện cứ thế tiếp diễn… Trò chơi này giúp trẻ hiểu được cấu trúc của các câu chuyện, bao gồm các nhân vật và sự kiện, các sự kiện liên tục thay đổi và xâu chuỗi với nhau để tạo thành cốt truyện. Một câu chuyện càng có nhiều yếu tố bất ngờ càng trở nên hấp dẫn. Với trò chơi này, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên với trí tưởng tượng, sự bất ngờ, hài hước trong cách suy nghĩ và diễn đạt của trẻ. Có thể áp dụng trò chơi này khi trên đường đi dã ngoại hoặc trong lớp học.
-
- LÀM THƠ
Khi thằng Đỗ Đen vào lớp 1 và bắt đầu biết thế nào là vần, thì thỉnh thoảng cả 3 mẹ con lại chơi trò làm thơ. Ví dụ:
Mẹ: hôm nay mình làm thơ vần et nhé. Thơ này là thơ ngũ ngôn, tức là mỗi câu có 5 chữ. Giờ mẹ làm 2 câu, sau đó đến lượt các con. Các câu thơ phải kết thúc bằng từ có vần et. Sẵn sàng chưa nào?
Có một con bọ chét
Rất là hay bốc phét
Đỗ Đen: Nên bị mọi người ghét
Đỗ Tương: Toàn bị đứng hàng bét
Mẹ: Cách các bạn hàng mét
Đỗ Đen: Nó đánh rắm phẹt phẹt
Đỗ Tương: Lại suốt ngày hò hét
Mẹ: Và còn hay vơ vét…
Trò chơi này giúp cho trẻ hiểu được thế nào là thơ, cảm nhận được nhịp điệu, mở rộng vốn từ, gia tăng khả năng phản xạ ngôn ngữ. Trong lúc chơi, nếu phát hiện trẻ không tuân thủ luật (mỗi câu thơ bắt buộc phải có năm chữ và kết thúc bằng một từ vần et), bạn có thể nhắc nhở và gợi ý để con có thể tiếp tục sáng tác.
-
- ĐI CHỢ
Trò chơi đi chợ giúp gia tăng vốn từ vựng, khả năng ghi nhớ của trẻ. Mẹ có thể bắt đầu:
Hôm nay bạn Đỗ Đen đi chợ mua 1 con vịt một con gà và một con voi.
Người nói sau sẽ phải nhắc lại toàn bộ câu và bổ sung thêm một từ mới.
Đỗ Đen: hôm nay bạn Đỗ Đen đi chợ mua một con vịt một con gà, một con voi và một con hổ.
Đỗ Tương: hôm nay bạn Đỗ Đen đi chợ mua một con vịt một con gà, một con voi một con hổ và một quả bóng…
Trò chơi tiếp tục cho đến khi có người bị bắt vì quên mất một từ trong câu.
LƯU Ý:
MỖI HÔM CHỈ CHƠI MỘT TRÒ THÔI ĐỂ CÒN ĐI NGỦ SỚM, VÌ THỂ NÀO CẢ NHÀ CŨNG SẼ BÒ LĂN RA MÀ CƯỜI.
(TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh)